|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Chúng tôi phải gồng mình chi thêm 1 triệu USD mỗi tháng để sản xuất 3T'

19:14 | 11/09/2021
Chia sẻ
Trước mối lo bị loại khỏi thị trường quốc tế, Hải Vương Group - công ty xuất khẩu sản phẩm cá ngừ lớn nhất Việt Nam có trụ sở tại Khánh Hòa phải chấp nhận chi thêm 1 triệu USD/tháng để sản xuất 3T duy trì đơn hàng cho đối tác.

Công ty TNHH Hải Vương (Hải Vương Group) có 5 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm chủ lực từ cá ngừ đại dương. Đây là doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá ngừ lớn nhất Việt Nam có trụ sở đặt tại Khánh Hòa.

Năm 2021, Hải Vương Group đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 51.700 tấn sản phẩm cá ngừ đại dương và các loại cá biển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 doanh nghiệp đã gặp hàng loạt khó khăn trong việc đảm bảo các đơn hàng với các đối tác nước ngoài.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam phải chi thêm 1 triệu USD tháng để sản xuất 3T  - Ảnh 1.

Để đảm bảo các đơn hàng cho các đối tác nước ngoài Hải Vương Group phải chi thêm 1 triệu USD/tháng để hoạt động 3T. (Ảnh: Khải An).

Ông Nguyễn Văn Dư, thành viên Ban Giám đốc Hải Vương Group khẳng định, nếu bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho các hợp đồng nước ngoài chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi thị trường quốc tế và sẽ mất thời gian dài để lấy lại các hợp đồng cũ hoặc tìm được các đối tác mới.

Vậy nên, từ khi dịch bùng phát, doanh nghiệp này đã tiên phong thực hiện ngay phương án "3 tại chỗ" (3T) và "1 cung đường, 2 địa điểm" với số lượng công nhân viên trên 2.300 người, chiếm 70% tổng số lao động của Group.

Để đảm bảo các phương án phòng chống dịch và thực hiện 3T, Hải Vương Group thu xếp cho 45% số công nhân viên ngủ nghỉ tại nhà máy, 55% số công nhân ở khách sạn nghỉ ngơi sau giờ làm do nhà máy không đủ chỗ để một lượng lớn công nhân cùng ngủ nghỉ.

Chỉ riêng việc thuê trọn các khách sạn Hải Vương Group phải chi gần 4 tỷ đồng/tháng.

"Bình thường, chúng tôi chỉ lo suất ăn buổi trưa cho công nhân viên, nhưng khi thực hiện 3T, doanh nghiệp phải lo 4 suất ăn/ngày cho nhóm công nhân viên 3T. 

Bên cạnh đó là hàng loạt chi phí khác như thuê khách sạn, điện, nước, chi phí kiểm soát, an toàn phòng chống dịch… Như vậy, để hoạt động 3T, DN phải chi thêm khoảng 1 triệu USD mỗi tháng", ông Dư cho hay.

Ông Dư cho biết thêm, giai đoạn đầu thực hiện 3T duy trì được quân số nhưng về sau lực lượng lao động cũng bị giảm sút đáng kể, một số công nhân viên xin về nhà vì rất nhiều vấn đề như phải lo con cái, người thân bệnh, đám tang… và hàng loạt các vấn đề cá nhân. Việc thay đổi công nhân làm việc 3T khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam phải chi thêm 1 triệu USD tháng để sản xuất 3T  - Ảnh 2.

Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với hàng loạt khó khăn và nguy cơ bị loại khỏi thị trường quốc tế. (Ảnh: Khải An).

Tuy nhiên, ông Dư cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy khiến giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.

"Vật tư đầu vào bị đứt gãy và tăng giá khi các doanh nghiệp cung ứng vật tư, bao bì… khu vực miền Nam đã tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng COVID-19 nên việc sản xuất và đóng gói sản phẩm của Hải Vương Group đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng cá ngừ đóng hộp.

Bên cạnh đó, chi phí các nguyên vật liệu đầu vào này cũng tăng từ hơn 20% trong đợt dịch. Về nguyên liệu cá ngừ cũng ảnh hưởng ít nhiều khi giá cả tăng chung theo thị trường thế giới và giá nội địa có tăng do người dân gặp khó khi đánh bắt và vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch.

Tuy nhiên, do hợp đồng đã ký trước với đối tác nước ngoài nên giá bán không thể thương lượng tăng lên dù nguyên liệu đầu vào tăng đáng kể", ông Dư chia sẻ.

Ngoài ra, ông Dư cho biết thêm, tuy giá cá ngừ thu mua tại địa phương tăng và điều kiện giao nhận khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng Hải Vương Group vẫn tổ chức thu mua và tiếp nhận tất cả nguyên liệu của ngư dân.

"Nguồn nguyên liệu nội địa của Hải Vương Group chỉ chiếm khoảng 5-10% nhưng chúng tôi hiểu các ngư dân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong mùa dịch nên không thể bỏ rơi họ trong lúc này nếu dừng thu mua. Do đó, dù giá nguyên liệu cá ngừ có tăng chúng tôi vẫn thu mua", ông Dư nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Dư cho biết, hiện các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện 3T và phải xoay sở khi chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy. Do đó, cần sớm có giải pháp khác thay thế để doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động bình thường.

Về đề xuất, ông Dư cho biết, hiện nay các doanh nghiệp của Hải Vương Group đã được UBND Tỉnh Khánh Hòa cũng như các cơ quan ban ngành tạo điều kiện tiêm vắc xin mũi một cho 100% lao động đủ điều kiện chích ngừa.

Doanh nghiệp rất mong được sớm chích mũi hai để đủ điều kiện tổ chức sản xuất trong tình hình mới, thay thế phương án 3T.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn có được các chính sách phù hợp để giảm bớt gánh nặng chi phí như giảm BHXH, giảm chi phí điện nước, giảm lãi suất cho vay, cũng như triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ cho người lao động phải ngừng việc do COVID-19.

"Khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài chúng tôi đã xác định việc kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn. Để đảm bảo được mục tiêu kế hoạch sản lượng năm 2021 Hải Vương Group dự báo sẽ có năm tài chính lỗ và nếu may mắn dịch bệnh sớm được kiểm soát thì có thể huề vốn.

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản chúng tôi tiêu thụ điện, nước khá nhiều. Nếu được Nhà nước hỗ trợ khoản này để san sẻ gánh nặng với doanh nghiệp trong giai đoạn dịch và sau dịch sẽ giúp doanh nghiệp trụ được và hoạt động ổn định sau trong thời gian tới", ông Dư chia sẻ.

Khải An