Tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới - Bài 2: Liệu pháp tăng 'sức đề kháng'
Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những "lỗ hổng" trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp sau đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã làm gián đoạn nhiều tuyến đường vận chuyển quan trọng, đồng thời khiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển thêm trầm trọng. Hệ quả là nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm và giá cả leo thang.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chuỗi cung ứng sẽ không thể sớm trở lại thời điểm trước đại dịch và thế giới cần thích ứng với trạng thái "bình thường mới".
Để chuẩn bị cho những "cơn bão" có thể ập đến trong tương lai, chính phủ các nước trên thế giới và công ty đa quốc gia đã đẩy mạnh những biện pháp quản trị và phòng ngừa rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như tái định hình mạng lưới sản xuất và phân phối theo hướng chủ động và đa dạng hóa hơn.
Các liệu pháp để tăng "sức đề kháng" của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đa quốc gia đã đặt kỳ vọng lớn vào sự phục hồi tiêu dùng mạnh mẽ một khi nhu cầu bị dồn nén trong suốt thời gian dịch bệnh được giải phóng.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu lớn trên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung đầu vào, chi phí logistics (vận chuyển và lưu kho) cao cùng giá nguyên vật liệu tăng vọt đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, những rủi ro địa chính trị mới đang buộc các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua ba giải pháp, gồm tăng cường dự trữ, mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và chuyển hoạt động sản xuất ở nước ngoài về nước.
Xu hướng này có thể thấy rõ trong ngành công nghiệp điện tử, vốn phụ thuộc rất lớn vào "công xưởng thế giới" Trung Quốc.
Mặc dù hãng sản xuất màn hình phẳng hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc), AU Optronics (AUO), nhận được nhiều đơn hàng cung cấp màn hình cho các hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới và các máy tính xách tay cao cấp, song hoạt động sản xuất của hãng bị hạn chế do thiếu các vật liệu như hộp các-tông hay băng keo đóng gói từ Trung Quốc.
Chủ tịch AUO Paul Peng chia sẻ rằng các nguyên vật liệu càng ít quan trọng, thì nguy cơ thiếu hụt càng lớn, do doanh nghiệp thường không có chủ trương dự trữ, trong khi chính sách "Không COVID" (Zero COVID) tại Trung Quốc khiến hoạt động sản xuất cũng như vận chuyển bị gián đoạn trầm trọng.
Do đó, tăng lượng hàng dự trữ là chiến lược đang được áp dụng rộng rãi để tăng cường "sức đề kháng" của chuỗi cung ứng. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà sản xuất và bán lẻ trong ngắn hạn.
Điều này được thể hiện qua sự thay đổi trong tư duy chiến lược: Lập kế hoạch toàn cầu nhưng lấy nguồn lực địa phương. Mô hình sản xuất tức thời để tiết kiệm chi phí dần được thay thế bằng mô hình tích trữ để phòng ngừa cho những "cú sốc" trong tương lai.
Mặc dù biện pháp này giảm thiểu tác động của nguy cơ gián đoạn đối với sản xuất trong tương lai và cải thiện sức bền của chuỗi cung ứng, nhưng hàng dự trữ cao lại ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp.
Hơn nữa, "lượng hàng tồn an toàn" này cũng có nguy cơ lỗi thời do những tiến bộ về công nghệ hay nhu cầu khách hàng thay đổi. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quý giá và mất doanh thu nếu không quản lý cẩn thận.
Trong khi đó, Scott Price - Chủ tịch Công ty chuyển phát nhanh quốc tế UPS International - cho rằng một hệ quả được nhìn thấy rõ nhất trong 18 tháng qua là "sự chuyển đổi sang các mô hình chuỗi cung ứng mới".
Với việc các công ty chuyển dây chuyền sản xuất hàng hóa phức tạp đến nơi gần hơn với người dùng để đối phó với môi trường chi phí vận tải cao và sự chấm dứt của kỷ nguyên lao động giá rẻ tại Trung Quốc.
Trước đây, việc đưa cơ sở sản xuất ra nước ngoài để tiết kiệm nhân lực và các chi phí kinh doanh khác từng được các nhà sản xuất lựa chọn rất nhiều.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều biến số khó lường khiến chuỗi cung ứng trở nên mong manh, việc "hồi hương" hoạt động sản xuất về trong nước và địa phương hóa sản xuất hay lựa chọn các nhà cung cấp thay thế gần hơn là những giải pháp an toàn hơn.
Đầu năm nay, tập đoàn sản xuất chip Intel thông báo sẽ chi 20 tỷ USD cho một cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới tại Mỹ. Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn trong lịch sử nước này.
Intel đang nỗ lực xây dựng một trung tâm mới cho ngành chip tiên tiến ở Mỹ, nơi tập trung 8 nhà máy sản xuất chip trị giá 100 tỷ USD, cùng một dây chuyền từ phòng thí nghiệm đến xưởng sản xuất. Bên cạnh đó, Intel cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất tại 6 quốc gia châu Âu với tổng kinh phí đầu tư 88 tỷ USD.
Mặc dù mặt hạn chế của xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất là chi phí xây dựng các cơ sở vật chất sản xuất mới khá cao, song đây là giải pháp mang tính dài hạn và giúp doanh nghiệp xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả và linh hoạt.
Mục tiêu của các công ty đa quốc gia hiện nay không chỉ là tối ưu hóa chi phí mà còn là đa dạng hóa mạng lưới nhà cung cấp, phân tán rủi ro theo khu vực để giảm thiểu thiệt hại khi một "mắt xích" trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Chiến lược chuỗi cung ứng trong chương trình nghị sự kinh tế
Các chuỗi cung ứng phức tạp đã giúp các công ty sản xuất một cách hiệu quả tất cả các loại hàng hóa, với chi phí thấp và quy mô khổng lồ. Tuy nhiên, khi hệ thống mang tính đồng bộ cao bị "trật nhịp", các nút thắt xuất hiện ngày càng nhiều, gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và đẩy giá cả tăng nhanh.
Đây là áp lực rất lớn đối với chính phủ các nước trong bối cảnh lạm phát đang tăng nhanh. Đó cũng là lý do tại sao chiến lược về chuỗi cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược và thiết yếu, ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong các chương trình nghị sự kinh tế.
Chính phủ các nước quan tâm hơn đến việc thúc đẩy sản xuất trong nước, nhằm giảm tính dễ tổn thương của mình trước các gián đoạn nguồn cung nước ngoài.
Đầu tháng 4, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật thúc đẩy an ninh kinh tế, trong đó kêu gọi tăng cường các chuỗi cung ứng để đảm bảo ổn định nguồn cung các mặt hàng quan trọng như chip bán dẫn, dược phẩm và kim loại hiếm.
Các mặt hàng mang tính chiến lược sẽ được giám sát chặt chẽ và Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà cung ứng trong nước có nguồn cung ổn định.
Tổng thống Joe Biden cũng đang thúc giục các nhà chế tạo đưa hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ, quốc gia từng đi đầu trong việc chế tạo chip cho mọi sản phẩm điện tử, từ máy hút bụi, tivi cho đến ô tô.
Trong bối cảnh đại dịch bộc lộ rõ sự phụ thuộc của ngành công nghiệp vào các sản phẩm nhập khẩu, chính phủ các nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, đã tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn sau nhiều năm ngành sản xuất này chuyển sang các nước châu Á có chi phí thấp hơn.
Chính quyền của Tổng thống Biden muốn đầu tư 52 tỷ USD vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại cho thấy xu hướng bảo vệ các chuỗi cung ứng bằng cách thúc đẩy "tự cung tự cấp" càng nhiều càng tốt lại có thể khiến những quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc tiềm tàng.
Theo các chuyên gia của IMF, việc đa dạng hóa nguồn cung đầu vào từ nhiều quốc gia và sử dụng các thành phần có thể dễ dàng thay thế khi có tình huống bất lợi nảy sinh được nhìn nhận là giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay.
Việc "hồi hương" các nhà máy có thể làm giảm sự đa dạng hóa của chuỗi cung ứng, khiến sản xuất phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế nội địa.
IMF ước tính rằng khi đối mặt với sự gián đoạn lớn (một sự cố khiến giảm 25% nguồn lao động ở một nhà sản xuất lớn các nguyên liệu đầu vào quan trọng), một nền kinh tế trung bình có thể sẽ suy giảm khoảng 1% GDP.
Nhìn chung, dù mỗi nước có cách tiếp cận về việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng khác nhau, song các chuyên gia cho rằng kinh tế thế giới đang có xu hướng phân mảnh, với các nền kinh tế liên kết theo hướng đối tác cùng chí hướng hoặc theo các khu vực địa lý gần gũi hơn.
Các chuyên gia kinh tế kêu gọi các quốc gia phối hợp chính sách hải quan và cắt giảm các hàng rào thương mại để giúp doanh nghiệp tránh được những gián đoạn tương tự trong tương lai.
Giám đốc điều hành tập đoàn khai thác cảng China Merchants Port Holdings Erik Yim gợi ý, cách thức khôi phục trật tự cho chuỗi cung ứng là các chính phủ liên kết chặt chẽ hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, thông qua một nghị định thư được quốc tế công nhận nhằm bảo vệ người lao động trong ngành vận tải, đồng thời đảm bảo các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển luôn mở cửa.
Phát huy vai trò "mắt xích" của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam mới chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung vẫn dựa trên lợi thế về giá cả do các ưu đãi và lợi thế truyền thống (chủ yếu là do các chính sách ưu đãi, miễn giảm và giá công nhân duy trì thấp trong các lĩnh vực sản xuất gia công - lắp ráp là chính) chứ không phải dựa vào nâng cao giá trị (nhất là giá trị gia tăng từ cấu phần sản xuất trong nước).
Để thúc đẩy sự tham gia các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị sản xuất-cung ứng toàn cầu, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt cho rằng Việt Nam nên thể chế hóa các chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam nên phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đa dạng chuỗi cung ứng là xu thế phổ biến và góp phần thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, khi các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á đang triển khai những chính sách thu hút đầu tư ngày càng mạnh mẽ, lợi thế so sánh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu có nguy cơ bị tụt hậu trong bối cảnh áp lực cạnh tranh về sản xuất và thương mại quốc tế ngày càng gay gắt.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Do đó, Việt Nam cần khai thác những lợi thế này để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Bài 3: Củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu