|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Trên 60% doanh nghiệp tư nhân và FDI có doanh thu đi xuống năm 2020, sức hút của Việt Nam đối với nước ngoài đang tụt hạng'

14:30 | 11/09/2021
Chia sẻ
Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ liên quan đến những tác động sâu rộng của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp Việt tại diễn đàn diễn ra chiều ngày 8/9.
Hơn 60% doanh nghiệp FDI có doanh thu đi xuống, sức hút của Việt Nam đối với vốn ODA đang tụt hạng - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Thạch, đại diện VCCI đang trình bày về những tác động của COVID-19 đến doanh nghiệp Việt. (Ảnh chụp màn hình).

Tại sự kiện Diễn đàn trực tuyến Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 8/9, các chuyên gia đã công bố các báo cáo và tác động của COVID-19 đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng những "cú đấm bồi" của COVID-19 mang tính sâu rộng cả về kinh tế, xã hội và y tế đối và đẩy nền kinh tế thế giới vào vòng suy giảm tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ. 

Tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Việt Nam hết sức nghiêm trọng, được thể hiện trên báo cáo khảo sát của VCCI với World Bank cho 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành của Việt Nam.

Theo kết quả, có hơn 87% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, cả DN tư nhân trong nước và DN có vốn FDI. 

DN ở hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh khi phải gặp trở ngại trong vấn đề tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, thiếu lao động,...

Điều tra cũng cho thấy có 62% DN FDI có doanh thu năm 2020 giảm so với năm trước đó. Mức doanh thu của các DN FDI đã hao hụt 30 - 34% so với năm 2019.

Hơn 60% doanh nghiệp FDI có doanh thu đi xuống, sức hút của Việt Nam đối với vốn ODA đang tụt hạng - Ảnh 2.

Đại diện VCCI cho biết những con số này được thu thập khi Việt Nam đang chịu tác động của đợt dịch thứ nhất và thứ hai, tức lúc Việt Nam có dưới 1.000 ca nhiễm. Khi đợt dịch thứ 4 xuất hiện, ông Phạm Ngọc Thạch đánh giá tác động này đến các DN sẽ nghiêm trọng hơn.

Trong 8 tháng đầu năm, đã có hơn 85.500 DN rút khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng rất đáng lo ngại. Riêng IIP tháng 8 dù tăng 5,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2016 - 2019, ông Thạch chia sẻ.

Ngoài ra, một số tỉnh thành trung tâm của cả nước lại có chỉ số IIP giảm sâu, như TP HCM giảm 49%, Bình Dương 12%, Long An 21%, Tây Ninh 37%,...

Ông Thạch cho rằng những con số này chưa phản ánh hết sự khó khăn của DN. Rất nhiều DN đã phản ánh những trắc trở trong kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua, công suất thấp, thiếu nhân lực. Đáng chú ý, doanh thu không có hoặc giảm sâu, DN phải chi trả thuê kho bãi, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc việc cho người lao động,...

Hơn 60% doanh nghiệp FDI có doanh thu đi xuống, sức hút của Việt Nam đối với vốn ODA đang tụt hạng - Ảnh 3.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế tại sự kiện. (Ảnh chụp màn hình).

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế thông tin xu hướng rời khỏi thị trường của các DN đang ở mức khá  cao, tăng 23%, trong đó có cả DN lớn. Điều này cho thấy sức chống chọi của DN đã tới hạn.

"Sức hấp dẫn của các DN Việt Nam đối với nước ngoài đang có xu hướng giảm".

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế

"Sức hấp dẫn của các DN Việt Nam đối với nước ngoài đang có xu hướng giảm. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ở mức rất thấp so với kế hoạch", ông Trịnh Minh Anh nhận định.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng tháng tháng 8, vốn thực hiện các dự án FDI giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021. Tuy nhiên, tính cả 8 tháng năm 2021 vốn thực hiện vẫn tăng nhẹ.

Minh Hằng