|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm Việt Nam lăm le vượt Indonesia để leo lên top 3 tại Mỹ

10:48 | 10/09/2021
Chia sẻ
Theo dữ liệu mới của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhu cầu của người tiêu dùng nước này đối với tôm nhập khẩu không ngừng tăng lên, bất chấp đại dịch tái bùng phát và tàn phá các quốc gia sản xuất tôm lớn trên toàn cầu.

Trong tháng 7 năm nay, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 76.440 tấn tôm, trị giá khoảng 665 triệu USD. Số liệu mới lần lượt tăng 12% về khối lượng và 16% về giá trị so với tháng 7 năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp Mỹ tăng nhập khẩu tôm từ nước ngoài.

Giá của tất cả loại protein tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đều tăng và tôm cũng không ngoại lệ, dù chưa thực sự bùng nổ. Tháng 7/2021, Mỹ trả trung bình khoảng 8,7 USD cho mỗi kg tôm, nhích 3% so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với tháng 6/2021.

Tôm Việt Nam lăm le vượt Indonesia để leo lên top 3 tại Mỹ - Ảnh 1.

Ấn Độ giữ vững ngôi vương

Undercurrent News cho biết, ngành tôm tôm Ấn Độ đang tiếp tục phục hồi sau khi lực lượng lao động của ngành bị đại dịch COVID-19 tấn công vào đầu năm. Hiện tại, Ấn Độ vẫn giữ vững ngôi vương trong danh sách các nước cung ứng tôm lớn nhất của Mỹ.

Trong tháng 7 năm nay, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 30.000 tấn sản phẩm sang Mỹ, trị giá khoảng 250 triệu USD - lần lượt bật tăng 25% về khối lượng và 22% về giá trị so với tháng 7/2020.

Đất nước Nam Á chiếm khoảng 39% tổng lượng tôm nhập khẩu của Mỹ trong tháng 7/2021. Trước đó, Undercurrent News nhận được thông tin rằng thu hoạch tôm ở Ấn Độ đang có xu hướng giảm. Song, xuất khẩu tôm nhìn chung vẫn ở mức cao trong thời gian qua, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Ấn Độ.

Trong giai đoạn 5 tháng đầu năm, Ấn Độ xuất khẩu được tổng cộng 254.000 tấn tôm, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số người trong ngành cho biết số liệu xuất khẩu khá bất ngờ.

Ông Manoj Sharma, Giám đốc công ty thủy sản Mayank Aquaculture (trụ sở tại bang Gujarat), cho hay: "Thật bất ngờ khi xuất khẩu tăng, dù sản lượng tôm tại các trang trại đi xuống".

Trong khi đó, giá tôm của Ấn Độ vẫn tương đối ổn định trong tháng 7/2021. Trung bình, Mỹ trả cho doanh nghiệp Ấn Độ khoảng 8,34 USD/kg tôm, giảm 2% so với giá hồi tháng 7 năm ngoái nhưng tăng 1% so với mức trung bình của tháng 6 năm nay.

Tôm Việt Nam lăm le vượt Indonesia để leo lên top 3 tại Mỹ - Ảnh 2.

Ecuador, Indonesia và Việt Nam vững chân trong top 4

Một diễn biến lớn khác trong số liệu mới của NOAA chính là việc Ecuador tiếp tục giữ được vị trí thứ hai trong danh sách cung ứng tôm của Mỹ. Đây đã là tháng thứ 2 mà đất nước Nam Mỹ đạt được thành tích này.

Cụ thể, trong tháng 7 năm nay, Mỹ nhập khẩu hơn 17.700 tấn tôm từ Ecuador, trị giá khoảng 139 triệu USD - tăng lần lượt 25% về khối lượng và 56% về giá trị.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu tôm của Ecuador còn giành được thêm thị phần tại Mỹ, ít nhất là kể từ tháng 7 năm ngoái khi Trung Quốc đình chỉ giấy phép của một công ty tôm lớn của Ecuador do lo ngại về COVID-19. Điều này buộc doanh nghiệp phải chuyển sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai.

Tháng 7 vừa qua, giá trung bình dành cho tôm Ecuador tại Mỹ là khoảng 7,84 USD/kg, tăng 25% so với tháng 7 năm ngoái và nhỉnh 9% so với tháng 6. Dù vậy, mức giá này vẫn còn thấp so với giá tôm của Ấn Độ và Indonesia.

Ở diễn biến khác, Indonesia, quốc gia mà Ecuador vượt qua để giành vị trí thứ hai, đã xuất sang Mỹ gần 11.500 tấn tôm trị giá hơn 100 triệu USD trong tháng 7 năm nay. Số liệu giảm 6% về khối lượng và 5% về giá trị.

Theo Reuters, quốc gia Đông Nam Á này cũng đang phải gồng mình chống lại đại dịch. Đến nay, Indonesia đã báo cáo hơn 4 triệu ca nhiễm và 131.000 trường hợp tử vong. Undercurrent News dự đoán, trong ngắn hạn, Indonesia thậm chí có thể tụt xuống hạng 4 nếu Việt Nam giữ vững tốc độ xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ.

Trong tháng 7/2021, Việt Nam đã vận chuyển 9.152 tấn tôm sang Mỹ, trị giá khoảng 97 triệu USD - lần lượt tăng 39% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, theo NOAA.

Giá tôm trung bình của Việt Nam khá cao, khoảng 10,59 USD/kg nhưng vẫn giảm 4% so với tháng 7 năm trước.

Thời gian qua, ngành tôm Việt Nam phải đồng thời đón nhận tin tốt lẫn tin xấu. Giữa tháng 8, Thủy sản Minh Phú vừa góp thêm 62 tỷ đồng vào công ty sản xuất con giống.

Đầu năm, Minh Phú đã đầu tư tổng cộng 138 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Sản xuất Giống Thủy sản Minh Phú có trụ sở tại Ninh Thuận. Ông lớn ngành tôm khẳng định, con giống quyết định hơn 60% thành bại của nghề nuôi tôm.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với làn sóng COVID-19 mới khiến hoạt động kinh tế tại TP HCM bị gián đoạn. Các vùng sản xuất tôm quan trọng ở Cà Mau và Bạc Liêu phải vận hành trong điều kiện giãn cách xã hội và quy định "ba tại chỗ".

Trong khi đó, tháng 7 tiếp tục là một tháng tồi tệ khác đối với Trung Quốc và 12 nhà cung ứng tôm lớn của Mỹ. Xuất khẩu tôm của Trung Quốc, Thái Lan, Mexico, Argentina cùng một số nước khác đều sụt giảm cả về khối lượng và giá trị.

Khả Nhân