Vua tôm Minh Phú: Chúng tôi thuê cả khách sạn 5 sao cũng không đủ chỗ cho công nhân thực hiện '3 tại chỗ'
Thuê cả khách 5 sao cũng không đủ chỗ cho công nhân
Chia sẻ tại một hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản mới đây, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết rất nhiều bất cập phát sinh trong quá trình hoạt động theo hình thức "3 tại chỗ".
Theo đó, công ty đã thuê tất cả khách sạn, kể cả khách sạn 5 sao tại địa bàn các nhà máy nhưng cũng không đáp ứng được toàn bộ số lượng nhân viên.
"Ví dụ ở nhà máy Hậu Giang, nếu thực hiện "3 tại chỗ" thì chỉ đủ chỗ ở cho cán bộ điều hành, không còn chỗ ở cho công nhân", ông Quang chia sẻ.
Nhà máy Hậu Giang nằm ở khu công nghiệp Nam Sông Hậu đầu trên là Cần Thơ đầu dưới Sóc Trăng, cách nhà máy khoảng 7 km.
Trong khi đó, công nhân lại tập trung nhiều toàn ở Sóc Trăng và Cần Thơ còn ở Hậu Giang không nhiều.
Muốn sang nhà máy ở Hậu Giang thì công nhân phải cách ly nên buộc phải thực hiện "3 tại chỗ". Do vậy, các địa phương cần có quy định cụ thể, linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất.
Ngoài ra, một bất cập hiện nay là có nhà máy quản lý việc phòng chống dịch rất tốt nhưng chỉ cần một nhà máy phát hiện có ca dương tính với virus Sar-CoV-2 thì đồng nghĩa tất cả nhà máy không được sản xuất hoặc quay về "3 tại chỗ".
Ví dụ như tại Cà Mau, bình quân một đơn vị có thể sản xuất 95% công suất. Tuy nhiên, có một công ty bất ngờ phát hiện F0, tất cả nhà máy tại tỉnh quay về sản xuất "3 tại chỗ".
"Doanh nghiệp chống dịch tốt thì lẽ ra cho người ta làm, tại sao một doanh nghiệp làm chưa tốt mà tất cả phải chịu?", ông Quang nói.
Đơn hàng nhiều nhưng giá tôm vẫn lao dốc
Điều này dẫn đến giá tôm thu mua từ người dân giảm mạnh. Theo đó, giá tôm loại 60 con/kg mà công ty thu mua tính từ ngày 4/7 đến ngày 30/8 giảm mạnh hơn 20% xuống còn 89.000 đồng/kg.
Thậm chí, nếu thương lái thu mua giá còn thấp hơn so với nhà máy khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg do phải chịu nhiều chi phí phát sinh do vận chuyển trong mùa dịch khó khăn. Người nuôi tôm sẽ lỗ nặng và không thể tái thả tôm ở vụ sau.
Chỉ khoảng 23% công nhân được đi làm. Ông Quang lo ngại nếu sau này dịch bệnh được kiểm soát, việc kêu gọi công nhân đi làm trở lại sẽ rất khó khăn.
Do đó, ông Quang cho rằng muốn chuỗi sản xuất tôm không bị đứt gãy, giá tôm tăng trở lại thì cần tạo điều kiện để nhà máy nâng cao công suất.
"Giá tôm thành phẩm nước ngoài đã tăng lên rất nhiều. Với mức giá như ngày 4/7 (113.000 đồng/kg) là người dân có lãi. Lẽ ra nếu sản xuất được thì giá tôm nguyên liệu thậm chí cao hơn 4/7 và người dân có thể tiếp tục thả giống.
Đơn hàng rất nhiều, giá tăng mà không bán được giá bán người nông dân thấp, khổ vô cùng.", ông Quang cho biết.
Ông Quang kiến nghị nhà nước cần cho tiêm dịch vụ vắc xin thay vì chờ chính quyền các địa phương.
"Doanh nghiệp cần sản xuất, nhà nước cần cho tiêm dịch vụ thì mới nhanh được, nếu xếp hàng chờ thì đến nay có doanh nghiệp vẫn chưa được tiêm mũi nào", ông Quang nói.
Ông Quang đề nghị áp dụng "1 cung đường nhiều điểm đến," tức là công nhân xanh, gia đình xanh, nhà máy xanh và test thường xuyên. Khi nhà máy sản xuất được thì giá mua nguyên liệu sẽ tăng lên, nông dân có cơ hội tái sản xuất.
Trước đó, tỉnh Cà Mau đã làm tốt chính sách "1 cung đường nhiều điểm đến", tuy nhiên kể từ khi xuất hiện một trường hợp F0, các doanh nghiệp toàn tỉnh phải thực hiện "3 tại chỗ".