Minh Phú chỉ dám nhận 50 – 70% công suất mặc dù thị trường khát tôm
Theo TTXVN, tại diễn đàn trực tuyến "Tôm Việt 2021 - Giải pháp tháo gỡ ngành tôm trong điều kiện dịch bệnh COVID-19", ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết rất nhiều hợp đồng đổ về nhưng doanh nghiệp chỉ dám ký khoảng 50 - 70% công suất nhà máy.
"Doanh nghiệp không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được. Nhu cầu thị trường đang tăng mạnh, đặc biệt Mỹ có nhập khẩu tôm cỡ lớn", ông Quang nói.
Theo ông Quang, giá tôm cỡ từ 10 - 30 con/kg tiêu thụ rất tốt, giá cũng tốt nên bà con nên yên tâm, không nên lo ngại.
Số lượng công nhân đi làm của doanh nghiệp chỉ đạt 25% nhưng công suất chế biến vẫn đạt 50%, nhờ doanh nghiệp đẩy mạnh mua tôm cỡ lớn.
Hiện giá tôm cỡ lớn đang mua thấp hơn so với trước dịch 10.000 đồng/kg, còn tôm bé hơn thì giảm từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Khi hoạt động ổn định trở lại, doanh nghiệp sẽ đẩy giá thu mua tăng lên.
Đại diện Minh Phú cũng khuyến cáo bà con cần nuôi để thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. Thời gian chế biến 3 kg tôm lớn bằng 1kg tôm nhỏ. Do đó, bà con nên giảm mật độ nuôi, nuôi tôm cỡ lớn.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết hiện nay việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn, nếu nhà máy không sản xuất được sẽ không thu mua tôm.
Tiêu thụ khó, bà con sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Đặc biệt vào tháng 10 - 12 là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.
Ông Quang kiến nghị các tỉnh cần có giải pháp giãn cách nhưng lưu thông hàng hóa thuận tiện để nhà máy thu mua thông suốt.
Khi nhà máy thu mua tốt thì bà con sẽ thả nuôi. Doanh nghiệp sẽ cùng các doanh nghiệp sản xuất tôm giống có chính sách giảm giá tôm giống để hỗ trợ bà con nuôi thành công.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang từng nhận định giá tôm trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt.
Theo đó, Ấn Độ đang chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 và nguồn cung dự kiến giảm 50% còn 350.000 tấn.
"Không một quốc gia nào có thể bù đắp được lượng sụt giảm này do đó nguồn cung thời gian tới sẽ thiếu hụt kéo theo giá tôm tăng liên tục từ tháng 5 đến nay", ông Quang nói.
Do đó, chiến lược của Minh Phú sẽ không vội nhận đơn hàng mà để dành cho những tháng cuối năm.