Trái phiếu ủy thác thế chấp (Collateral Trust Bond) là gì? Những đặc điểm cần lưu ý
Hình minh họa. Nguồn: Alexnld.com
Trái phiếu ủy thác thế chấp
Khái niệm
Trái phiếu ủy thác thế chấp (hay trái phiếu bảo kê thế chấp), tiếng Anh gọi là collateral trust bond hay collateral trust certificate hoặc collateral trust note.
Trái phiếu ủy thác thế chấp là trái phiếu được đảm bảo bằng các tài sản tài chính khác như cổ phiếu hay trái phiếu thay vì thế chấp bằng tài sản hữu hình. Những tài sản thế chấp này được giữ tại một bên được ủy thác. Loại trái phiếu này được coi là an toàn hơn trái phiếu không được đảm bảo do những tài sản thế chấp có thể được bán để trả cho trái chủ nếu cần.
Hiểu rõ hơn về trái phiếu ủy thác thế chấp
Trái phiếu doanh nghiệp là loại trái phiếu được phát hành bởi một doanh nghiệp nhằm huy động vốn để chi trả cho các nghĩa vụ nợ ngắn hạn hay đầu tư cho những dự án mới. Đổi lại doanh nghiệp sẽ chi trả cho nhà đầu tư lãi suất theo kì hạn cho đến khi trái phiếu đáo hạn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ hoàn trả lại khoản vốn đầu tư ban đầu.
Vì doanh nghiệp mong muốn phát hành những khoản vay với lãi suất càng thấp càng tốt, cho nên họ sẽ tìm cách để giảm thiểu chi phí vay. Một trong những cách đó là bảo đảm cho trái phiếu bằng một chứng khoán thế chấp và trái phiếu này được gọi là trái phiếu ủy thác thế chấp.
Đặc điểm của trái phiếu ủy thác thế chấp
Trái phiếu ủy thác thế chấp là một trái phiếu có quyền được sở hữu một chứng khoán hay một rổ chứng khoán. Loại trái phiếu này thường được doanh nghiệp phát hành khi họ không có tài sản thế chấp nào khác. Thay vào đó, doanh nghiệp này lại có quyền sở hữu ở những công ty khác, hay còn gọi là công ty con. Họ nắm giữ cổ phiếu của những công ty này. Doanh nghiệp này sẽ phát hành trái phiếu ủy thác thế chấp bằng những cổ phiếu của các công ty con này.
Những chứng khoán bị đem đi thế chấp cho trái phiếu này sẽ được chuyển đến cho một bên được ủy thác giữ thay mặt cho trái chủ. Và dù cho bên được ủy thác đang nắm giữ số cổ phiếu này thì quyền bầu cử của cổ phiếu này vẫn thuộc về bên doanh nghiệp phát hành.
Để chứng khoán đủ tiêu chuẩn làm vật thế chấp thì giá trị thị trường của nó phải cao hơn giá trị của trái phiếu một mức nào đó. Giá trị có chứng khoán thế chấp phải được định giá lại để phản ánh đúng giá trị thị trường của nó.
Nếu trong thời gian tồn tại của trái phiếu, giá trị thị trường của khoản thế chấp giảm xuống thấp hơn một mức tối thiểu nào đó được qui định trong khế ước trái phiếu thì bên phát hành phải dùng thêm chứng khoán hoặc tiền mặt làm vật thế chấp.
(Theo Investopedia)