|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Top 3 deal cao nhất Shark Tank Việt Nam mùa 4: Món quà tặng chồng của Shark Liên dẫn đầu, thương vụ 'máu nhưng có cơ sở' của Shark Phú góp mặt

07:21 | 17/08/2021
Chia sẻ
Tổng số tiền cam kết đầu tư của các Shark trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 đạt hơn 204 tỷ đồng.

Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 đã kết thúc với nhiều con số ấn tượng. Có tổng cộng 35/54 startup tham gia mùa này nhận được cam kết đầu tư, đạt tỷ lệ gần 65%.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Shark Bình, điều tiếc nuối lớn nhất trong Shark Tank Việt Nam mùa 4 là việc không có một mega deal (deal lớn) nào. Dù vậy, năm nay vẫn có một số thương vụ nhận được các khoản cam kết đầu tư với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

1. iGreen (25 tỷ đồng)

Lên sóng tập 10 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4, ông Đoàn Văn Tùng và Tô Quốc Bình, hai người đồng sáng lập Công ty TNHH Công nghệ phát triển iGreen, đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi 25 tỷ đồng đổi lấy 35% cổ phần công ty.

Đây là một startup trong lĩnh vực công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Đây là lĩnh vực nằm trong mục tiêu đầu tư của nhiều Shark như Shark Liên hay Shark Louis Nguyễn.

Ông Tùng khẳng định các sản phẩm đầu cuối do iGreen sản xuất đã được tổ chức TUV (chứng nhận an toàn sản phẩm trên toàn thế giới) chứng nhận với ba cấp độ kiểm tra: độ phân huỷ sinh học, kim loại nặng và độc tố sinh thái.

Trên sóng chương trình, iGreen đã nhận được hai lời đề nghị đầu tư của Shark Hưng và Shark Liên, lần lượt là 25 tỷ đồng cho 75% cổ phần và 25 tỷ đồng cho 49% cổ phần.

Do Shark Liên chia sẻ muốn đầu tư vào iGreen để tặng chồng do ông cũng quan tâm tới lĩnh vực môi trường nên Shark Hưng không muốn cạnh tranh, không thay đổi lời mời đầu tư. Cuối cùng, iGreen đã đồng ý với lời mời đầu tư của Shark Liên.

Top 3 deal cao nhất Shark Tank Việt Nam mùa 4: Món quà tặng chồng của Shark Liên dẫn đầu, thương vụ 'máu, nhưng có cơ sở' của Shark Phú góp mặt - Ảnh 1.

iGreen đứng đầu bảng xếp hạng top deal cao nhất Shark Tank Việt Nam mùa 4. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

2. JVM (20 tỷ đồng)

Tập 4, chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4 chứng kiến màn gọi vốn trực tuyến từ ông Đinh Ngọc Hải, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Y học Tái sinh Việt Nhật (JVM). Ông đã thực hiện gọi vốn từ Tokyo cho công ty của mình. Với mong muốn nhận 20 tỷ đồng để đổi lấy 30% cổ phần, JVM hy vọng mở mới một cơ sở trị liệu tế bào miễn dịch tại TP HCM.

Sản phẩm mà JVM mang đến Shark Tank Việt Nam là công nghệ trị liệu tế bào miễn dịch để phòng chống và điều trị ung thư. Đây là công nghệ tách tế bào miễn dịch từ máu của bệnh nhân ra ngoài nuôi cấy nhằm mục đích tăng trưởng cả số lượng và chất lượng. Theo chia sẻ của ông Đinh Ngọc Hải, đây là liệu pháp chữa trị đã được thế giới công nhận và từng đạt giải Nobel Y học năm 2018.

Shark Việt là người duy nhất đưa ra lời đề nghị, trong khi 4 Shark còn lại đều từ chối đầu tư. Cụ thể, con số mà Shark Việt đưa ra là 20 tỷ đồng cho 50% cổ phần. Tuy nhiên, Shark Việt sau đó đã bị startup thuyết phục lại. Cuối cùng, hai bên chốt deal ở mức đầu tư 20 tỷ đồng cho 32%.

Top 3 deal cao nhất Shark Tank Việt Nam mùa 4: Món quà tặng chồng của Shark Liên dẫn đầu, thương vụ 'máu, nhưng có cơ sở' của Shark Phú góp mặt - Ảnh 2.

Shark Việt và JVM đứng ở vị trí thứ hai. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

3. BioPlas (cam kết khoản vay chuyển đổi 15 tỷ đồng)

Ngay trên sóng truyền hình Shark Tank Việt Nam mùa 4, tập 2, Shark Nguyễn Xuân Phú đã đánh dấu sự trở lại sau một mùa không tham gia bằng một thương vụ ấn tượng.

Cụ thể, ông Nguyễn Châu Long, CEO và nhà sáng lập Công ty CP Thiên Kim An mang đến sản phẩm nhựa sinh học, 100% không chứa nhựa thông thường. Loại nhựa này sau khi phân huỷ sẽ chuyển hoá thành đất, nước và CO2.Sản phẩm của Bi Plas hiện đã đạt được kiểm nghiệm tại Châu Âu và Mỹ.

Nhà sáng lập cho biết đã đầu tư 16 tỷ đồng và mong muốn kêu gọi 4,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty. Shark Phú là người duy nhất đưa ra lời đề nghị đầu tư trị giá 4,5 tỷ đồng cho 25% cổ phần, 4 "cá mập" còn lại không đầu tư vì những lý do khác nhau.

Dù vậy, ông Nguyễn Châu Long không đồng ý với lời đề nghị này nên Shark Phú đã lựa chọn một phương án chắc chắn khi đầu tư dưới dạng cho vay (trái phiếu chuyển đổi). Số tiền đầu tư là 15 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm trong vòng ba năm. Sau thời gian đó, Chủ tịch Sunhouse có quyền quyết định sẽ chuyển đổi thành 35% cổ phần công ty hoặc lấy lại tiền. Đây cũng là mức mà nhà sáng lập Châu Long đồng ý.

Sau màn chốt deal, ông Phú từng thừa nhận đây là thương vụ "máu, nhưng có cơ sở" của bản thân.

Top 3 deal cao nhất Shark Tank Việt Nam mùa 4: Món quà tặng chồng của Shark Liên dẫn đầu, thương vụ 'máu, nhưng có cơ sở' của Shark Phú góp mặt - Ảnh 3.

Shark Phú cũng góp mặt trong top 3 với deal Bio Plas. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Quốc Anh