|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Được rót 12 triệu USD lại vừa lọt top 100 startup đáng chú ý nhất của Forbes, CEO Loship lo sợ hội chứng 'bỗng nhiên giàu'

07:34 | 16/08/2021
Chia sẻ
Chiến lược phát triển của Loship vẫn sẽ kiên định theo hướng tận dụng lực lượng tài xế hai bánh nhàn rỗi để phục vụ mọi nhu cầu giao nhận hằng ngày.

Tạp chí Forbes Asia vừa lần đầu công bố danh sách 100 to Watch về các công ty nhỏ và startup đáng chú ý đang trên đà phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam góp mặt với bốn đại diện gồm Hoozing, Logivan, Loship và Med247.

Trong đó, Loship là startup nổi bật thuộc lĩnh vực logistic - vận tải, được thành lập vào năm 2017. Forbes nhận xét, startup này đang đối đầu với các đối thủ khổng lồ như GoTo và Grab bằng cách giao bất cứ thứ gì từ bữa ăn, nguyên liệu tới thực phẩm chỉ trong vòng một giờ. Đội ngũ hiện có hơn 70.000 tài xế và 200.000 đối tác cửa hàng phục vụ gần hai triệu khách tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Chia sẻ với người viết, CEO Nguyễn Hoàng Trung cho biết, đội ngũ rất vui khi được Forbes Asia công nhận, nhưng nói thêm: "Những gì chúng tôi đã làm chỉ mới đạt 1% những gì chúng tôi mong muốn".

Mới đây công ty đã huy động được 12 triệu USD từ các quỹ đầu tư, trong đó có sự hậu thuẫn của Alibaba. Với số vốn huy động lớn và kế hoạch mở rộng mạnh mẽ, đại diện Loship tự tin sẽ phát triển đúng hướng. Theo ông Trung, nhiều công ty thường gặp vấn đề quản trị khi "bỗng nhiên giàu". Tuy nhiên, chiến lược phát triển của Loship vẫn sẽ kiên định theo hướng tận dụng lực lượng tài xế hai bánh nhàn rỗi để phục vụ mọi nhu cầu giao nhận hằng ngày.

Trong tương lai, startup này sẽ mở ra nhiều dịch vụ mới, nhưng tất cả đều xoay quanh một trọng tâm duy nhất là lực lượng tài xế. Với nguồn lực tài chính mới nhất, một trong các kế hoạch ưu tiên của Loship là tập trung củng cố đội ngũ lãnh đạo, gia tăng nhân sự cấp quản lý giàu kinh nghiệm, đẩy mạnh phát triển chính đội ngũ hiện tại.

"Là một công ty Việt Nam với xuất phát điểm luôn khiêm tốn, chúng tôi chưa bao giờ cho rằng hy sinh doanh thu để lấy thị phần là cách phát triển tốt. Thay vào đó, biết rõ đâu là thị trường mình có thể lỗ và đâu là thị trường phải lời sẽ giúp cho công ty đi nhanh hơn trong thời gian tới", ông Trung nói.

Loship và Med247 nói gì khi lọt top startup đáng chú ý châu Á - Ảnh 1.

Forbes nhận xét, Loship đang đối đầu với các đối thủ khổng lồ như GoTo và Grab. (Ảnh: Loship).

Nhận được các khoản đầu tư triệu đô, ông Trung từng chia sẻ mục tiêu dài hạn của Loship là có được 1 triệu nhà bán hàng địa phương. "Chúng không chỉ có các nhà hàng cao cấp mà còn cả các quán ăn địa phương, phù hợp túi tiền", ông Trung chia sẻ. Bên cạnh đó, Loship cũng muốn tạo ra một "hệ sinh thái phục vụ bất kỳ thứ gì khách hàng cần".

Việt Nam đang chứng kiến cạnh tranh của 4 ứng dụng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn lớn khác là Grab, Gojek, Baemin và Now. Trong đó, Grab đang chiếm thế thượng phong ở nhóm thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP HCM. Loship nhận thấy tiềm năng và đang tập trung phát triển tại các thị trường nhỏ, các tỉnh thành, địa phương.

"Việt Nam có nhiều điều kiện thích hợp cho mảng giao đồ ăn, bao gồm thị trường lớn, lượng người dùng dồi dào và tỷ lệ người dùng điện thoại và internet cao. Vì thế, Việt Nam thu hút nhiều "ông lớn" tham gia với tham vọng dẫn đầu", ông Trung chia sẻ thêm.

Theo ông Trung, việc các công ty lớn có nhiều nguồn lực để cạnh tranh thị phần khiến các startup giao đồ ăn địa phương gặp nhiều khó khăn để tồn tại. Bên cạnh đó, người dùng cũng có nhiều lựa chọn và thường có xu hướng chọn ứng dụng có khuyến mãi tốt hơn. Vì thế, tỷ lệ người dùng trung thành khá thấp.

Với đặc thù trên, Loship lựa chọn chiến lược thâm nhập và khai thác các thị trường chưa được phục vụ như các tỉnh thành nhỏ để phát triển tệp người dùng.

Y Khải