|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc vui sớm nở chóng tàn của các startup giao hàng nhanh

14:43 | 28/07/2022
Chia sẻ
Trong hai năm đại dịch COVID-19, hàng loạt startup giao hàng nhanh đã ra đời với tham vọng thống lĩnh thị trường, nhưng số lượng còn trụ lại đến thời điểm hiện tại là không nhiều.

Đầu tháng 3, sau khi hai startup giao hàng nhanh đóng cửa ở Thành phố New York chỉ trong một tuần, một công ty tiên phong tự xưng trong lĩnh vực này đã xuất hiện và gây chú ý với giới truyền thông, theo CNN.

Getir, một startup Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập vào năm 2015, gần đây đã huy động được 768 triệu USD để nâng mức định giá công ty lên 11,8 tỷ USD, đã "củng cố vị thế của mình" ngay cả khi đối mặt với một thị trường "đầy biến động", theo chia sẻ từ người đại diện. Dù vậy, thực tế là trước đó Getir đã cắt giảm 14% lực lượng lao động trên toàn cầu, tương đương gần 4.500 nhân viên.

Sự thay đổi đột ngột phản ánh sự bất ổn trong lĩnh vực này. Được thúc đẩy bởi hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm kết hợp cùng nhu cầu tăng vọt trước đó trong đại dịch, một danh sách dài các công ty giao hàng nhanh, hứa hẹn có thể cung cấp đồ tới người tiêu dùng chỉ trong 10 – 15 phút đã xuất hiện. Các công ty khởi nghiệp này đã mở văn phòng và trung tâm ở nhiều nơi, tuyển dụng nhân sự ồ ạt.

Sau đó, cuộc vui bỗng dừng lại. Lạm phát tăng vọt, lãi suất tăng, lo ngại về suy thoái kinh tế và xung đột tại Ukraine đã buộc phần lớn doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí. Có lẽ chính lĩnh vực giao hàng nhanh là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Getir, một trong những đơn vị thống lĩnh thị trường giao hàng nhanh. (Ảnh: New York Post).

Alex Frederick, một nhà phân tích cấp cao tập trung vào công nghệ mới nổi tại PitchBook, một công ty phân tích dữ liệu, cho biết: “Đó là mô hình mà chúng tôi đã thấy với Uber cách đây một thập kỷ về việc ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận để có thể nhanh chóng nắm bắt lợi thế. Mô hình này đòi hỏi mức độ “đốt tiền” rất lớn, đầu tư vốn nhiều để liên tục mở rộng sang các thị trường mới, thu hút khách hàng và giữ chân họ". Giờ đây, giới đầu tư có thể ít quan tâm hơn tới lĩnh vực này.

Năm nay, Fridge No More và Buyk đã ngừng hoạt động hoàn toàn; Jokr cho biết sẽ đóng cửa các hoạt động ở Mỹ và tập trung vào hoạt động kinh doanh ở khu vực Mỹ Latinh; Gopuff, Gorillas và Getir đều trải qua ít nhất một đợt sa thải nhân sự.

Theo ước tính của CNN Business, ít nhất 8.250 nhân sự trong lĩnh vực giao hàng nhanh đã mất việc, dựa trên báo cáo của các công ty. Nhiều người trong số những nhân sự bị sa thải đã làm nhân viên tuyến đầu trong suốt thời kỳ đại dịch.

Một trong số hàng nghìn nhân viên bị Getir sa thải nói với CNN Business rằng họ từng cảm thấy rất an toàn khi công tuyên bố chưa bao giờ sa thải bất kỳ ai. Người nhân viên này thừa nhận rằng việc sa thải và tái cơ cấu là chuyện bình thường đối với các doanh nghiệp, nhưng vẫn luôn tin Getir là ngoại lệ.

Trong một phản hồi qua e-mail cho CNN Business, CEO Getir, Nazim Salur cho biết công ty thông qua việc sa thải "vì điều kiện thị trường xấu đi”. Salur nói thêm: "Việc sa thải là điều chúng tôi cố gắng không làm trừ khi nó thực sự cần thiết. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Getir trải qua đợt cắt giảm nhân sự lớn như vậy”.

Giống Getir, các startup giao hàng nhanh vẫn còn tồn tại hiện nay phần lớn đều trải qua các đợt cắt giảm nhân sự để vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, khi họ điều chỉnh, các doanh nghiệp khác dường như đang tìm kiếm cơ hội để có được chỗ đứng trên thị trường và có thể thay đổi cách thức hoạt động của ngành.

Sự trỗi dậy và vấp ngã của các startup giao hàng nhanh

Khi Gopuff, được coi là công ty đầu tiên tận dụng các cửa hàng của chính mình để thực hiện giao hàng nhanh, được thành lập vào năm 2013, Uber mới chỉ ra đời được vài năm. Mục tiêu ban đầu của Gopuff là cung cấp dịch vụ giao hàng và sau đó là đồ ăn cho các sinh viên đại học.

Chưa đầy một thập kỷ sau, Gopuff được định giá 15 tỷ USD, và sau đó được cho là đã phát hành một lô trái phiếu chuyển đổi với mức giới hạn định giá lên tới 40 tỷ USD. Công ty sau đó mở rộng hoạt động tại hơn 1.200 thành phố và thu hút sự chú ý của Uber dưới hình thức hợp tác.

Gopuff có 450 trung tâm trải khắp các thị trấn và các thành phố lớn để cung cấp cho khách hàng mọi thứ từ thực phẩm đến rượu và thuốc gần như ngay lập tức. Tính đến tháng 3/2022, doanh nghiệp sử dụng 15.000 nhân viên.

Tuy nhiên, trong một bản ghi nhớ gửi các nhà đầu tư vào tháng 7, Gopuff đã chỉ ra một số thay đổi mà họ đang thực hiện, bao gồm cả đợt sa thải thứ hai trong vài tháng và đóng cửa 76 trung tâm. Công ty nói rằng đang chuẩn bị mọi thứ cho "một đợt suy thoái kinh tế vĩ mô có thể diễn ra”.

Các chuyên gia không đặt nhiều niềm tin vào Gopuff. (Ảnh: CNN).

Ngay cả khi đã cắt giảm nhân sự và thực hiện một số biện pháp, các chuyên gia vẫn nghi ngờ về khả năng tồn tại lâu dài của các dịch vụ chính của Gopuff, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Brittain Ladd, một nhà tư vấn chuỗi cung ứng, người đã tư vấn cho một số công ty trong lĩnh vực này và trước đây từng làm việc trong lĩnh vực chiến lược tại Amazon, nói với CNN Business rằng tiền đề của giao hàng nhanh là một "mánh khóe quảng cáo".

“Giao hàng nhanh thu hút mọi người, tạo ra rất nhiều bàn luận, trở thành một thứ gì đó kỳ quặc. Mục đích là khiến người tiêu dùng hỏi, 'Tại sao tôi có thể mua hàng tạp hóa trong 15 phút, nhưng tôi không thể mua mỹ phẩm, giày dép, quần áo và những thứ tương tự trong 15 phút?", nhà tư vấn Brittain Ladd nói.

"Đó là nơi sẽ diễn ra giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Các nhà đầu tư thường nói, “Làm thế nào trên thế giới này, chúng ta có thể kiếm được tiền từ việc đầu tư vào điều này?”, ông nói thêm.

Các doanh nghiệp sẽ chậm lại

Khi một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực giao hàng nhanh vấp ngã, những công ty khác đang tìm cách vươn lên.

Instacart, công ty đã nộp hồ sơ cho một đợt IPO vào tháng 5, đã ra mắt dịch vụ giao hàng nhanh cho một số khách hàng nhất định của Publix ở Miami. Instacart từ chối chia sẻ các số liệu về quan hệ đối tác, nhưng một người phát ngôn của công ty cho biết họ đã quan tâm đến việc cung cấp Publix, được gọi là Publix Quick Picks.

Trước đó, DoorDash bắt đầu cung cấp tùy chọn giao hàng nhanh ở Thành phố New York từ DashMart, một trong những cửa hàng mà công ty này mở vào năm 2020.

Paul Stellatos, người đã điều hành các cửa hàng tạp hóa ở khu vực Chicago trong hai thập kỷ, nói với CNN Business rằng công ty của ông, Go Grocer, đã phát triển một ứng dụng để cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh từ các cửa hàng của mình mà không có sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Quá trình đó kéo dài nhiều tháng, trong thời gian đó Gorillas và Getir đang chiếm lĩnh thị trường.

Vitaly Alexandrov, CEO và người sáng lập công ty khởi nghiệp Food Rocket có trụ sở tại San Francisco, cung cấp dịch vụ giao hàng tạp hóa trong 10 đến 30 phút với trọng tâm là thực phẩm tươi sống, cho biết tính đến nay họ mới có 6 địa điểm bán lẻ ở San Francisco và Chicago.

“Không phải vì chúng tôi là một công ty tăng trưởng siêu chậm mà đó là bởi vì chúng tôi hướng tới một mô hình kinh doanh bền vững. Chúng tôi sẽ không thể mở rộng nếu phải chịu những khoản lỗ lớn”, Alexandrov nói thêm.

Doanh Chính