Startup tạp hóa Ấn Độ chạy đua giao hàng nhanh trong 10 phút
Ngành bán lẻ hàng tạp hóa trị giá 600 tỷ USD của Ấn Độ đã chứng kiến cạnh tranh vô cùng gay gắt với các “người khổng lồ” thương mại điện tử như Amazon, Flipkart (thuộc của Walmart) và Reliance của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani.
Giờ đây, hai startup giao hàng tạp hóa nhanh là Blinkit (được tập đoàn đầu tư SoftBank của Nhật Bản hậu thuẫn) và Zepto đang nỗ lực thuê thêm nhân viên và tăng số lượng cửa hàng để giành thị phần với chiến dịch giao hàng trong vòng 10 phút. Các cửa hàng sẽ phải đóng gói hàng trong vòng vài phút và người giao hàng bằng xe máy sẽ phải giao hàng cho khách chỉ trong thời gian khoảng 7 phút.
Ashwin Mehta, nhà phân tích hàng đầu trong lĩnh vực CNTT tại công ty tư vấn Ambit Capital của Ấn Độ, nhận định: “Đây có thể là một mối đe dọa đối với những ‘người khổng lồ’ trong ngành. Nếu mọi người quen với việc giao hàng trong 10 phút, thì những công ty cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng 24 giờ sẽ buộc phải giảm thời gian giao hàng của họ."
Nếu hoạt động này phát triển, công ty nghiên cứu RedSeer dự báo lĩnh vực “thương mại nhanh” của Ấn Độ, trị giá 300 triệu USD trong năm 2020, sẽ tăng gấp 10-15 lần lên 5 tỷ USD vào năm 2025.
Sự tiện lợi của việc giao hàng nhanh chóng đã thu hút một lượng lớn người dùng. Điều này thể hiện rất rõ ở thị trường châu Âu và Mỹ, nơi các công ty như Getir của Thổ Nhĩ Kỳ và Gorillas của Đức đang mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, đã xuất hiện lo ngại về nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại Ấn Độ.
Ngay cả ở các thành phố, hầu hết các con đường đều có ổ gà, tình trạng gia súc hoặc các động vật khác đi giữa dòng xe cộ là một thách thức thường xuyên đối với người lái xe máy. Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tại Ấn Độ, cứ 4 phút lại có một người chết vì tai nạn giao thông.
Tất cả 13 nhân viên giao hàng cho Blinkit và Zepto mà Reuters phỏng vấn tại các thành phố lớn như Mumbai, New Delhi và Gurugram cho biết họ phải đối mặt với áp lực đáp ứng thời hạn giao hàng.
Điều này khiến họ phải chạy quá tốc độ vì sợ bị quản lý cửa hàng quở trách. Một số tài xế cho biết họ đã phải xác nhận đơn hàng đã được giao cho khác, trước khi họ đến nơi. Và nếu khách hàng phàn nàn về việc này, họ sẽ bị phạt 300 rupee (4,03 USD).
Những lo ngại này phản ánh mặt tối của “gig economy” (nền kinh tế mà mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời) đang bùng nổ của Ấn Độ. Người lao động thường nói rằng họ thường không được đối xử công bằng và phải đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt.