|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người giàu nhất Ấn Độ tất tay 80 tỷ USD vào một dự án trong vòng 10 năm, kỳ vọng tạo ra 1 triệu việc làm mới

08:50 | 15/01/2022
Chia sẻ
Tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani – người giàu nhất đất nước tỷ dân này đang đầu tư tới hơn 80 tỷ USD để tập trung vào hướng phát triển năng lượng xanh.
Tỷ phú giàu nhất Ấn Độ đổ hơn 80 tỷ USD vào năng lượng xanh: Xu hướng đầu tư mới? - Ảnh 1.

Tỷ phú Mukesh Ambani chi hơn 80 tỷ USD cho các dự án mới về năng lượng xanh. (Nguồn: CNN)

Tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani là Reliance Industries vừa đưa ra thông báo chính thức rằng họ sẽ phân bổ một con số khổng lồ 6.000 tỷ rupee (tương đương 80,6 tỷ USD) cho các dự án điện tái tạo ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ và hy vọng sẽ giúp tạo ra một triệu việc làm mới.

Phần lớn số tiền đó - khoảng 67,7 tỷ USD - sẽ được dùng cho một nhà máy điện mới và hệ thống hydro, theo tiết lộ của chính công ty trong một hồ sơ đăng ký trên sàn chứng khoán. Reliance có kế hoạch đầu tư lớn trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm và đã bắt đầu tìm kiếm quỹ đất cho địa điểm công suất 100 gigawatt. 

Công ty cũng có kế hoạch tạo ra một trung tâm sản xuất mới dành riêng cho việc sản xuất các tấm pin mặt trời, công nghệ pin nhiên liệu và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Reliance khẳng định các sáng kiến mới về năng lượng xanh xuất phát "từ tầm nhìn" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Dự báo 1 triệu việc làm của công ty bao gồm cả cơ hội mới trực tiếp và gián tiếp tại quê hương của ông Modi.

Năng lượng tái tạo đang bắt đầu phát triển ở Ấn Độ. Một phân tích vào năm 2021 dự đoán số lượng lắp đặt mới của các dự án năng lượng xanh như vậy dự kiến sẽ tăng gấp đôi trên toàn quốc so với giai đoạn 5 năm từ năm 2015 - 2020.

Xu hướng đến vào thời điểm quan trọng. Tính đến cuối năm ngoái, than vẫn chiếm gần 70% sản lượng điện trên toàn Ấn Độ. Điều đó đã đặt quốc gia đông dân thứ 2 thế giới vào một vị trí dễ bị tổn thương khi nước này phải đối mặt với rủi ro về sự bùng nổ thiếu nhiên liệu than vào tháng 10 năm ngoái, với dự trữ hàng hóa tại hầu hết các nhà máy điện của Ấn Độ giảm xuống mức cực kỳ thấp.

Reliance của tỷ phú giàu nhất đất nước cũng đồng thời là một trong những công ty có giá trị và dễ nhận biết nhất Ấn Độ. Tập đoàn kinh doanh hóa dầu, viễn thông và bán lẻ từ lâu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Gần đây, công ty cũng đang có sự thay đổi trọng tâm khi tỷ phú Ambani (đang giữ chức chủ tịch) tìm cách biến tập đoàn thành một gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.

Trong tuyên bố hôm 13/1, Reliance cho biết họ sẽ sử dụng số tiền còn lại để đầu tư "vào các dự án hiện có và các dự án mới trong vòng 3-5 năm tới". Trong khoảng thời gian đó, công ty muốn chi 1 tỷ USD để nâng cấp mạng di động của mình lên 5G và chi khoảng 406 triệu USD cho chi nhánh bán lẻ của mình.

Liệu năng lượng xanh có phải hướng đầu tư khôn ngoan?

Những động thái mới này làm dấy lên một câu hỏi liệu lĩnh vực năng lượng xanh có phải là một lĩnh vực hấp dẫn để đầu tư? 

Hồi cuối tháng 9 năm ngoái, tổ chức phi lợi nhuận Breakthrough Energy của tỷ phú Bill Gates cũng đã thông báo rằng họ đã huy động được hơn 1 tỷ USD từ 7 công ty lớn, bao gồm ArcelorMittal và General Motors để tài trợ cho phát triển năng lượng sạch.

Tỷ phú giàu nhất Ấn Độ đổ hơn 80 tỷ USD vào năng lượng xanh: Xu hướng đầu tư mới? - Ảnh 2.

Năng lượng xanh được xem là một lĩnh vực thu hút đầu tư và mối quan tâm lớn trong vài năm gần đây. (Nguồn: CNN)

Những người tham gia ban đầu trong sáng kiến, được gọi là " Catalyst" (tạm dịch: Chất xúc tác) còn có American Airlines, Bank of America, BlackRock, Boston Consulting Group và Microsoft. 

Số tiền huy động được lên tới 1 tỷ USD và được trao dưới hình thức tài trợ, cổ phần và cam kết mua lại các công nghệ được phát triển. Ra mắt vào tháng 6/2021, Catalyst đã xây dựng quan hệ đối tác với Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và Bộ Năng lượng Mỹ.

Ý tưởng của tổ chức là hỗ trợ phát triển các giải pháp năng lượng mới để chống lại biến đổi khí hậu bằng cách tập hợp các khu vực công và tư nhân lại với nhau và tài trợ cho các bước tiến tới thương mại hóa. 

Các công ty khác dự kiến sẽ tham gia sáng kiến này. Dự án ban đầu sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh triển khai 4 công nghệ chính: Thu giữ carbon trực tiếp, hydro xanh, lưu trữ năng lượng dài hạn và nhiên liệu hàng không bền vững.

Tuy nhiên, nó cũng có kế hoạch xem xét các cải tiến khác, chẳng hạn như để giảm tác động của carbon đối với thép và xi măng. Tỷ phú Bill Gates cho biết trong một tuyên bố: "Để tránh thảm họa khí hậu sẽ đòi hỏi một cuộc cách mạng công nghiệp mới. 

Một nửa công nghệ cần thiết để đạt được mức không phát thải hoặc là chưa tồn tại hoặc quá đắt so với khả năng chi trả của phần lớn thế giới". "Catalyst được thiết kế để thay đổi điều đó và cung cấp một cách hiệu quả để đầu tư vào tương lai công nghệ sạch của chúng ta", nhà từ thiện đồng thời là người sáng lập Microsoft nói thêm.

Thu Phương