|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Loship muốn niêm yết tại Mỹ, cạnh tranh với Grab, Gojek bằng chiến thuật học hỏi từ Trung Quốc

14:02 | 13/08/2021
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang đổ dồn sự quan tâm vào thị trường Đông Nam Á. Mới đây, Loship nhận được 12 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư, nâng định giá lên 100 triệu USD.

Startup giao hàng Loship đang đặt mục tiêu trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sau hơn một thập kỷ, CEO Loship nói với Nikkei. Tham vọng của Loship được thể hiện trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư quốc tế ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các startup trong khu vực Đông Nam Á.

Một startup giao hàng Việt muốn niêm yết tại Mỹ, cạnh tranh với Grab, Gojek bằng chiến thuật học hỏi từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Loship, startup giao hàng Việt Nam, hy vọng có thể sẽ sớm niêm yết tại Mỹ. (Ảnh: Nikkei)

Vừa nhận được 12 triệu USD trong một vòng đầu tư do quỹ BAce Capital đồng dẫn dắt, Loship cho biết hy vọng sẽ "chào sàn" chứng khoản New York vào năm 2024 sau khi đạt đến điểm lợi nhuận trong vòng từ 18 đến 24 tháng tới.

Giữa lúc chính quyền Trung Quốc thắt chặt các công ty công nghệ, dòng vốn đầu tư đang chảy về Đông Nam Á và Ấn Độ. Xu hướng này thúc đẩy định giá của các startup như Grab hay Zomato lên mức kỷ lục.

Ở thời điểm hiện tại, Loship đang có khoảng 2 triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam, vốn tăng trưởng nhanh nhưng cũng có mức độ cạnh tranh rất cao. Giống các startup giao hàng khác, Loship đang phải đối mặt với lệnh giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam vì đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship, tự tin rằng Loship có thể vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại và mở rộng bằng cách hướng đến các đơn hàng có biên lợi nhuận cao và sao chép chiến lược của các công ty Internet Trung Quốc. Ông Trung sáng lập Loship 4 năm trước.

Ở Việt Nam, quốc gia có 98 triệu dân, Loship phải cạnh tranh với trên dưới 10 đối thủ khác nhau, từ AhaMove (công ty được Temasek đầu tư) cho tới các "ông lớn" khu vực như Gojek và Grab.

"Chúng tôi đang gặp tình trạng thiếu tài xế nhưng các đối thủ cũng vậy. Ông có cơ hội để chúng tôi cạnh tranh trong lĩnh vực này", ông Trung nói trong một cuộc phỏng vấn qua video với Nikkei.

Một startup giao hàng Việt muốn niêm yết tại Mỹ, cạnh tranh với Grab, Gojek bằng chiến thuật học hỏi từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO và người sáng lập Loship. (Ảnh: Nikkei)

Vị CEO 29 tuổi so sánh cục diện trên thị trường giống như một chặng đua xe. Khi các tay đua đến đoạn khó nhất trên khung đường là những đoạn cua, đây là lúc người giỏi nhất vượt lên.

Cùng BAce Capital, vòng gọi vốn pre-series C của Loship hồi tuần trước còn được đồng dẫn dắt bởi Sun Hung Kai & Co, một công ty đã niêm yết tại Hong Kong. Bên cạnh đó, dòng vốn còn đến từ nhiều nhà đầu tư cá nhân từng làm việc cho Skype, Starbucks và BNP Paribas. Trang DealStreetAsia nói rằng ở vòng đầu tư này giúp Loship đạt mức định giá 100 triệu USD.

Các "ông lớn" giao hàng trong khu vực đang làm nóng thị trường đại chúng Mỹ. Grab công bố kết hoạch niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq sau khi sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) vào đầu năm nay. Dù vậy, Grab đã lùi kế hoạch "chào sàn" xuống cuối năm nay liên quan đến các quy định mới.

GoTo Group, pháp nhân thành lập sau cuộc sáp nhập Gojek và Tokopedia, cũng đang lên kế hoạch sẽ thực hiện niêm yết kép tại cả Mỹ và Indonesia.

Theo Nikkei, Việt Nam từng có một công ty niêm yết tại Mỹ là Cavico vào năm 2011. Dù vậy, cổ phiếu của công ty này bị huỷ niêm yết 2 năm sau đó vì trễ hạn các hồ sơ quản lý.

VNG từng được cho là mong muốn trở thành công ty tiếp theo của Việt Nam niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên, công ty này "im hơi lặng tiếng" về kế hoạch nói trên kể từ khi ký biên bản ghi nhớ với sàn Nasdaq vào năm 2017. Gần đây, nhiều công ty SPAC của Mỹ cũng được cho là đã tiếp cận sàn TMĐT Tiki.

Ông Trung nói rằng đại dịch đã nhiều người dùng lần đầu tiên lên Internet. Ông tin rằng người dùng sẽ vẫn gắn bó với Loship ngay cả khi đại dịch qua đi.

Phần lớn mảng kinh doanh của Loship hiện tại xoay quanh việc giao đồ tươi sống và các bữa ăn trưa. Loship cũng thực hiện giao hoa, dược phẩm và các đơn hàng giá trị thấp, biên lợi nhuận cao khác.

Loship cũng có một chiến lược khác do BAce Capital gợi ý. Dựa trên kinh nghiệm từ Trung Quốc, Loship bổ sung thêm tính năng trò chơi vào ứng dụng của mình, tương tự như cách Pinduoduo thêm trò chơi vào sàn thương mại điện tử.

Ông Trung hình dung mô hình mình đang theo đuổi vơi sự "đa năng" của một siêu thị, nơi người dùng không chỉ tới để mua sắm. Người dùng Loship mở ứng dụng để chơi trò chơi, thay vì mua sắm, nhưng trong lúc đó họ có thể sẽ đưa ra các quyết định mua sắm. MoMo, một trong những ví điện tử lớn nhất tại Việt Nam, cũng áp dụng chiến lược tương tự.

"Những gì xảy ra ở Trung Quốc sẽ xảy ra ở Việt Nam", ông Trung nói về triển vọng mô hình của mình với Nikkei.

Nam Khánh