Người Việt tiêu thụ 7 tỷ gói mì tôm trong một năm, đứng thứ 3 thế giới: Phần lớn là các thương hiệu của Masan Group và Acecook
Là loại đồ ăn sinh ra ở Nhật Bản, hiện nay mì gói đã nhanh chóng có mặt tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Mì gói được xem là "đồ ăn toàn cầu" do có hàng triệu người sử dụng mỗi ngày, bất kể tuổi tác, giới tính hay quốc gia, dân tộc. Theo số liệu của WINA, 116,6 tỷ suất mì được tiêu thụ vào năm 2020, tương đương với khoảng 320 triệu suất mì được ăn mỗi ngày.
Có 8/10 quốc gia đứng đầu về tiêu thụ mì gói đến từ châu Á, nơi 80% mì gói toàn cầu được tiêu thụ và mỗi quốc gia tại châu lục này đều có một vị mì ưa thích riêng. Tại châu Âu và châu Mỹ, mì ăn liền được xem là loại đồ ăn kiêng, trong khi ở Trung Đông và châu Phi, mì gói được kì vọng sẽ tăng trưởng lượng tiêu thụ trong tương lai.
Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về tiêu thụ mì gói trên đầu người, xếp sau là Việt Nam và Nepal. Theo WINA, người Hàn Quốc rất ưa thích mì ăn liền và món ăn này được phục vụ tại các nhà hàng, quầy bán rong. Trong khi, tại Việt Nam và Nepal, mì gói được dùng làm thức ăn sáng và ăn đêm.
Tôm Chua Cay là hương vị phổ biến nhất tại Việt Nam. Ngoài các gia vị có sẵn, người Việt còn cho thêm hành tây, chanh và ớt vào mì ăn liền đã nấu chín. Bên cạnh đó, món phở truyền thống của Việt Nam cũng được làm thành phở ăn liền, tạo nên nét độc nhất trong văn hóa mì gói tại Việt Nam.
Người Hàn ưa chuộng vị cay của ớt trong từng gói mì trong khi ở Indonesia phổ biến với dòng mì ăn liền Mie Goreng đang du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Là quốc gia tiêu thụ mì gói nhiều nhất thế giới, người Trung Quốc ưa thích vị mì làm từ súp bò với ngũ vị hương.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nhiều lệnh phong tỏa được áp đặt, người dân phải ở nhà nên dẫn tới nhu cầu tự nấu ăn tăng mạnh. Trước đợt bùng phát hồi tháng 2/2020, Hàn Quốc ghi nhận tình trạng người dân vơ vét hàng hóa như gạo, nước rửa tay, khẩu trang và mì gói. Dù các nhà máy đã tăng công suất hoạt động nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu, điều này buộc nhiều siêu thị buộc phải ra quy định giới hạn số gói mì một người được mua.
Nongshim - thương hiệu mì gói bán chạy nhất Hàn Quốc cho biết, doanh thu mì ăn liền, hay còn gọi là "ramyeon" trong tiếng Hàn, đạt 2,09 nghìn tỷ won (1,85 tỷ USD) trong năm ngoái, tăng 16,3% so với năm trước đó, ghi dấu lần đầu tiên doanh thu ramyeon của Nongshim đạt mốc 2 nghìn tỷ won, chiếm 79% tổng doanh thu của công ty.
Trong năm 2020, doanh thu của Nongshim ở Mỹ cũng tăng 26,5% so với năm trước đó lên 250,2 tỷ won, trong khi doanh thu ở Trung Quốc tăng 28,2% lên 218,3 tỷ won. Nhiều nhà sản xuất mì gói khác của Hàn cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm 2020.
Nhà sản xuất mì ăn liền Samyang Foods Co. cho biết doanh thu của họ tăng 20,9% so với năm ngoái lên 591,1 tỷ won, chiếm hơn 91% tổng doanh thu của công ty. Trong khi, Ottogi Co. cho biết doanh thu mì ăn liền và các sản phẩm mì khác của họ đã tăng 8,4% so với năm trước đó lên 700 tỷ won. Nhà sản xuất Paldo Co. cũng đạt doanh thu bán ramyeon 297,1 tỷ won, tăng 9,2% so với năm trước đó.
Mì gói có lợi thế về sự tiện lợi cũng như giá cá, điều đó góp phần nào vào việc sức tiêu thụ mì gói tăng mạnh trong giai đoạn này. Theo thống kê của WINA, nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm trước đó. Đặc biệt, năm 2020 đã tăng 14,79% so với năm 2019.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mì ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026.
Trong top 10 nước tiêu thụ nhiều nhất, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có mức tiêu thụ mì gói tăng trưởng mạnh từ 2019 đến 2020. Trong khi Trung Quốc tăng trưởng 11% thì Việt Nam tăng đến 29,4%, đứng đầu top 10 về tốc độ tăng trưởng.
Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả các thương hiệu ngoại, đứng đầu thị trường là 4 ông lớn: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods. Nhóm "big 4" này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.