|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai sắc thái của các nền tảng giao hàng tại Việt Nam giữa mùa dịch: Đơn hàng nổ ầm ầm nhưng đỏ mắt tìm vẫn không thấy shipper

16:47 | 03/08/2021
Chia sẻ
Dù bùng nổ đơn hàng trong đợt dịch hiện tại ở Việt Nam, nhiều ứng dụng giao hàng vẫn gặp khó.

Tại Việt Nam hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết, các văn phòng phải đóng cửa, người dân buộc phải ở trong nhà và hạn chế ra ngoài trừ khi có việc cần thiết.

Mọi thứ rất khó khăn, kể cả việc đi mua thực phẩm, nhiều địa phương đã áp dụng phát phiếu đi chợ. Ví dụ, một số chợ tại thủ đô Hà Nội đã phát phiếu yêu cầu người dân đi chợ 3 ngày/lần và phải mua đủ đồ ăn trong ba ngày, chưa kể việc đi chợ cũng giới hạn theo thời gian nhất định.

Bùng nổ các đơn vị giao hàng

Tuy khó khăn là vậy nhưng đợt dịch lần này chứng kiến thời kỳ "ăn nên làm ra" của các ứng dụng giao hàng. MarketOi - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao hàng có trụ sở tại TP HCM đã ghi nhận lượng đơn đặt hàng tăng vọt trong thời gian thực hiện lệnh giãn cách.

Tờ Nikkei Asia ví hoạt động kinh doanh giao hàng trong gian đoạn này giống một con tàu lượn siêu tốc, lên xuống bất chợt. MarketOi có thể tăng vọt lượng đơn đặt hàng do khách hàng phải ở trong nhà vì quy định giãn cách, nhưng các tài xế đối tác của họ cũng không dễ dàng để làm việc bởi các chốt kiểm soát và tình trạng thiếu lương thực.

Ứng dụng giao hàng 'nằm trên tàu lượn' giữa đợt dịch COVID-19 mới tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ứng dụng giao hàng bùng nổ đơn hàng trong đợt dịch mới tại Việt Nam. (Ảnh: Nikkei Asia).

"Nhìn chung, chúng tôi vẫn còn nhiều thách thức. Nhưng được giao hàng tới cho người dân cũng là một điều tốt vì nó có lợi cho cộng đồng", CEO MarketOi Chi Do nói. Nữ CEO cho rằng khác với trước kia, khi giao hàng còn là một dịch vụ xa lạ, giờ đây nó đã trở nên tất yếu và quan trọng với người dân khi nhiều tỉnh thành phố thực hiện các lệnh giãn cách. Và MarketOi không phải là kẻ duy nhất trong lĩnh vực này.

Sau khi các dịch vụ vận chuyển hành khách bị cấm, các ứng dụng như Grab, Gojek hay be đều đã chuyển trọng tâm sang mảng giao hàng. Cả ba đều đã có sự bùng nổ đơn hàng, đặc biệt là hàng tạp hóa và bưu kiện.

Shipper gặp khó, các siêu thị, sàn thương mại điện tử tìm cách thích nghi

Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu. Sau hai tuần bùng nổ nhu cầu giao nhận hàng hóa, beGroup đã buộc phải ngừng dịch vụ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho quý khách hàng và tài xế. Bên cạnh đó, be cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức tiêm phòng sớm cho đội ngũ tài xế.

Grab và Gojek cũng tạm dừng tất cả các dịch vụ tại Hà Nội sau yêu cầu từ phía chính quyền. Gojek cho biết họ đang làm việc để tiêm vắc xin cho các tài xế, trong khi Grab trước đó đã thực hiện tiêm phòng cho tài xế. 

Do ảnh hưởng của các lệnh giãn cách, nhiều siêu thị đã buộc phải thích nghi bằng nhiều ý tưởng sáng tạo. Ví dụ, thiết lập các quầy hàng trên vỉa hè và điểm bán lưu động để người dân tiện mua sắm. Ông lớn bán lẻ Central Retail - đơn vị sở hữu chuỗi Big C, Go !, Top Market cho biết họ đã đưa các cửa hàng lên sàn thương mại điện tử Tiki và ZaloShop.

Sàn thương mại điện tử cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách, hàng hóa vận chuyển liên tỉnh bị gián đoạn, thậm chí giao hàng giữa các quận với nhau cũng không hề dễ dàng. Trao đổi với tờ Nikkei Asia, Lazada thừa nhận gặp khó khăn trong việc giao hàng lúc này và nó có thể gây ra sự chậm trễ.

Các tài xế giao hàng là người phải chịu thiệt thòi vì sự không đồng nhất của các quy định. Nhiều trường hợp tài xế đã bị phạt khi đang đi làm do việc công ty hiểu lầm quy định. Chính quyền cũng đã yêu cầu các tài xế phải đeo các dấu hiệu nhận diện khi làm việc, có mã QR cung cấp thông tin về việc giao hàng.

Trong đợt dịch năm ngoái, nhiều quốc gia trong tình trạng phong tỏa như Mỹ đã coi nhận viên bán hàng tạp hóa, tài xế giao hàng là những lao động thiết yếu và hiện thực đó đang đến với Việt Nam.

"Các đối tác tài xế là anh hùng trên đường phố trong thời kỳ đại dịch. Họ giúp mọi người an toàn khi ở nhà, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của xã hội," Gojek đề cao đội ngũ giao hàng.

Thùy Trang

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.