Chia sẻ
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 của Việt Nam đạt 24,7 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% so với tháng trước.
Các mặt hàng có trị giá tăng so với tháng 10 phải kể đến như: sắt thép các loại tăng 103 triệu USD (17%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 100 triệu USD (2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 91 triệu USD (3%)...
Top 10 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất tháng 11/2020 ghi nhận kim ngạch gần 16,5 tỷ USD, chiếm 67% tổng nhập khẩu của cả nước trong tháng.
Trong đó, nhập khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, với gần 6,3 tỷ USD.
Đồ họa: Phùng Nguyệt
Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, tổng kim nhập khẩu cả nước đạt 234,9 tỷ USD, tăng 1,7% cùng kỳ năm trước.
Hai mặt hàng tăng trên tỉ USD như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,5 tỷ USD (22,4%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,2 tỷ USD, (9%)
Top 10 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất 9 tháng đầu năm 2020 đạt trị giá hơn 152,6 tỷ USD, chiếm 65% tổng nhập khẩu cả nước trong kỳ.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
Trị giá nhập khẩu trong tháng là gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 2%. Tính chung 11 tháng đạt tới 57,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, nhập khẩu nhóm hàng này tăng mạnh ở các thị trường như Trung Quốc với 16,4 tỷ USD, tăng 5,3 tỷ USD (tương ứng tăng 48%); từ Đài Loan với 7 tỷ USD, tăng 1,9 tỷ USD (tăng 36%) so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nhập khẩu từ thị trường lớn thứ hai là Hàn Quốc lại giảm với 14,48 tỷ USD, giảm 326 triệu USD, tương ứng giảm 2%.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng
Nhập khẩu trong tháng đạt 3,4 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong 11 tháng lên 33,2 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 11 tháng với trị giá là 14,9 tỷ USD, tăng 12%; tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc với 5,4 tỷ USD, giảm 4%; Nhật Bản với 4 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước…
Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày)
Trị giá nhập khẩu trong tháng đạt 1,9 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng trước.
Lũy kế 11 tháng đạt 19,3 tỷ USD, giảm mạnh 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 50,6%, với 9,79 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện
Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt gần 2 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước. Tính trong 11 tháng đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 93% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó, từ Trung Quốc là 7 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc là 6,6 tỷ USD, tăng 24%…
Ô tô nguyên chiếc các loại
Trong tháng 11, lượng nhập về đạt 12,24 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 11, Việt Nam nhập khẩu gần 92,3 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, giảm tới 31% so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là chủng loại “xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống” và “ô tô tải”, chiếm tỷ trọng tới 93,4%. Trong đó, lượng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống trong 11 tháng qua là hơn 68 nghìn chiếc và ô tô tải là 18,1 nghìn chiếc.
Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 11 tháng chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia, chiếm 84% tổng lượng nhập khẩu của cả nước. Cụ thể, nhập khẩu từ Thái Lan là 44,7 nghìn chiếc, giảm 37,5% và từ Indonesia với gần 32,7 nghìn chiếc, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Chi tiết các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2020
Phùng Nguyệt