Những ngành hàng xuất khẩu nào đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19?
Dịch bệnh tác động mạnh đến xuất khẩu dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong quý III ước đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay.
Tuy vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9 đang cho thấy sự chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái với mức giảm lần lượt là 1,7% và 0,6%.
Đáng chú ý, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của một số ngành hàng trọng điểm của nước ta như dệt may, da giày, đồ gỗ và thủy sản.
Bởi đây là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, đồ gỗ và thủy sản của cả nước, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giày dép giảm mạnh 26,7%, tương ứng với mức giảm gần 1,1 tỷ USD so với quý III năm ngoái. Nếu xét về số tuyệt đối thì đây là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất trong số các ngành hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, các mặt hàng như sản phẩm nội thất từ chất liệu gỗ; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù; đồ chơi, dụng cụ thế thao và bộ phận sụt giảm từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số ngành hàng chủ lực thu hút nhiều lao động khác cũng giảm trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái như: Gỗ và sản phẩm gỗ giảm giảm 450 triệu USD (-13%); dệt may giảm 695 triệu USD (-7,8%); thủy sản giảm 308 triệu USD (-12,7%)…
Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, số lượng các doanh nghiệp có khả năng áp dụng các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến" là không nhiều và số lượng doanh nghiệp phải dừng hoạt động tương đối lớn.
Không những vậy, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc đối tác chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác.
Tính riêng trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm sâu 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 35,3%, dệt may giảm 18,6%, giày dép giảm 44,2%, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù giảm 48%.
Trước đó, trong năm 2020 xuất khẩu dệt may, giày dép và thủy sản cũng ghi nhận sự sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Có thể nói đây đang là ngành hàng dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh.
Nguồn: Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Không ít mặt hàng vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao
Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh nhưng nhiều ngành hàng xuất khẩu vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Nổi bật nhất là mặt hàng sắt thép với kim ngạch xuất khẩu tăng đến 148,4% (tương ứng tăng 2,3 tỷ USD) so với quý III năm ngoái, ước đạt 3,9 tỷ USD. Xuất khẩu mặt hàng này đang tương đối thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường gia tăng nhiều tháng qua trong khi tiêu thụ trong nước giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu cũng tăng 148,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng như hạt tiêu, xơ, sợi dệt các loại, chất dẻo nguyên liệu, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt tăng trưởng hơn 50% về kim ngạch.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác cũng tăng trưởng từ 14 -30% so với quý III năm ngoái, bao gồm cả những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu như điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,7% (tương ứng tăng 2 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 19,1% (tương ứng tăng 1,5 tỷ USD)…
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Bắc, trong đó có những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử, sắt thép lớn nhất cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… là yếu tố then chốt để duy trì tăng trưởng xuất khẩu quý vừa qua trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam suy giảm mạnh do dịch bệnh.
Nguồn: Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Kỳ vọng vào sự phục hồi trong quý IV
Đến nay, công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã có những tín hiệu tích cực, nhiều địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách và triển khai các phương án khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất đáp ứng các đơn hàng khi các nước đang tích cực nhập khẩu hàng hóa để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm như Giáng sinh, Tết Dương lịch.
Tuy nhiên, việc phục hồi sản xuất tại TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam trong thời gian tới được các chuyên gia kinh tế đánh giá là còn nhiều khó khăn và thách thức do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, lực lượng lao động thiếu hụt.
Chi phí xét nghiệm, giao thông vận tải, hậu cần và logistics, quy định phòng chống dịch của các địa phương chưa thực sự đồng nhất cũng là yếu tố lo ngại của các doanh nghiệp khi trở lại sản xuất.
Trong khi đó, một số mặt hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may… đang chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh và không dễ để phục hồi nhanh chóng.
Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành cùng sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu của các tỉnh thành phía Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt trở lại trong quý IV/2021 qua đó tác động tích cực đến hoạt động thương mại nói chung của cả nước.