|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể dần cải thiện từ quý II

17:33 | 28/04/2023
Chia sẻ
Dự báo trong quý II, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định bởi nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu phục hồi mạnh. Theo đó, ngay trong quý I, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng của các tổ chức lớn trên thế giới (4%).

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 với chủ đề: “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc quý I đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 với chủ đề: “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới” (Ảnh: H.Mĩ)

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu đến các thị trường lớn đều sụt giảm nhưng thị trường Trung Quốc 3 tháng đầu năm vẫn có tín hiệu khả quan.

Nguyên nhân do thị trường Trung Quốc mới mở cửa trở lại sau gần 3 năm gián đoạn và dần hồi phục và có nhu cầu lớn. Tiếp đó, Hiệp định RCEP đã bắt đầu phát huy tác dụng và Trung Quốc là thành viên có vị trí gần Việt Nam. Do đó, kim ngạch thương mại 2 chiều vẫn tăng trong thời gian qua.

Trong quý I, nhiều mặt hàng hàng xuất khẩu sang thị trường này co sự khởi sắc, thậm chí tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoai như rau quả, gạo, hạt điều,..

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (Tổng hợp: H.Mĩ)

Năm 2023, Bộ Công Thương đặt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 70 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2022. 

Ông Huy cho biết dự báo trong quý II, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định bởi nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu phục hồi mạnh. Theo đó, ngay trong quý I, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng của các tổ chức lớn trên thế giới (4%). 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Ngoài ra, yếu tố hỗ trợ khác cho triển vọng xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian tới là tốc độ thông quan hàng hoá tại cả khẩu được nâng cao. 

Tại một số cửa khẩu ở các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai lượng hàng hoá thông quan hàng ngày cơ bản tương đương với giai đoạn trước dịch.  Chỉ tính riêng các cửa khẩu biên giới đất liền, kim ngạch xuất khẩu  đạt 3,6 tỷ USD, tăng 641% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trong 30% trong tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này. 

“Những yếu tố thuận lợi này dự kiến sẽ tác động tích cực vào sự khôi phục trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ quý II đến cuối năm nay”, ông Huy cho biết.

Mặc dù vậy, ông cũng chỉ ra nhiều yếu tố thách thức trong xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc trong thời gian tới. Theo đó, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới có bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm cầu trên toàn thế giới. 

“Mặc dù tốc độ tăng trưởng quý I của Trung Quốc cao hơn dự bao nhưng sự phục hồi hiện vẫn chưa đồng nhất đều. Nước này đang phải giải quyết những vấn đề lớn khác của nền kinh tế như thị trường bất động sản suy thoái, du lịch và tiêu dùng suy giảm sau thời gian dài khó khăn…”, ông Huy nói. 

Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và hướng đến mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng ở hầu hết lĩnh vực kinh tế. Điều này đồng nghĩa nước này sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao đối với tiêu chuẩn hàng hoá cả xuất khẩu và nhập khẩu. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lại đang thích nghi chậm với sự thay đổi này. Vẫn còn doanh nghiệp bị cảnh báo hoặc tạm dừng tư cách xuất khẩu do vi phạm các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm được quy định về đăng ký trước khi xuất khẩu theo lệnh 248. 

 

H.Mĩ