|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu sụt giảm ở hầu hết các tỉnh thành, cả nước chỉ có 16 địa phương tăng trưởng dương, có nơi giảm mạnh trong 22 năm

19:30 | 26/04/2023
Chia sẻ
Đa phần các địa phương trên cả nước đều ghi nhận xuất khẩu sụt giảm trong quý I đầu năm. Riêng ở Bình Dương, một số doanh nghiệp cho biết trước kia từng có đơn hàng cho cả năm thì nay chỉ có cho 2-3 tháng.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2023, cả nước chỉ có 16 tỉnh, thành xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Trong nhóm dẫn đầu, Vĩnh Phúc tăng mạnh nhất, Bình Dương giảm sâu nhất

Trong nhóm 17 tỉnh thành dẫn đầu về xuất khẩu trong quý I, hầu hết đều tăng trưởng âm so với quý I/2022. Giảm mạnh nhất là Bình Dương với 6,88 tỷ USD trong quý I/2023, trong khi cùng kỳ đạt 8,96 tỷ USD (giảm 23,21%). Tiếp đến là Đồng Nai. giảm 23,19%.

TP HCM ghi nhận mức giảm 22,9%, quý I năm ngoái, xuất khẩu của TP HCM đạt 12,21 tỷ USD, trong khi năm nay chỉ đạt 9,41 tỷ USD.

Ở nhóm có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương, Vĩnh Phúc tăng mạnh nhất (hơn 36%), Hà Nam (hơn 33%), Bắc Giang (gần 21%) và Tiền Giang tăng nhẹ 5,6%.

Trong 17 tỉnh, thành dẫn đầu về xuất khẩu chỉ có 4 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 cao hơn cùng kỳ.

Ở nhóm thứ hai, gồm 32 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu từ 100 triệu USD đến gần 1 tỷ USD trong quý I, số lượng địa phương tăng trưởng dương chỉ chiếm 25%.

Trong nhóm này, giảm mạnh nhất là Cà Mau (-47%) từ gần 350 triệu USD trong quý I/2022 xuống còn hơn 184 triệu USD trong quý I/2023.

Quý I năm ngoái, Thanh Hóa từng lọt nhóm địa phương có kim ngạch trên 1 tỷ USD thì năm nay đã giảm xuống chỉ còn hơn 970 triệu USD.

Trong khi đó, Hà Tĩnh ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá, gần 54%.

 

Nhóm còn lại là các tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu dưới 100 triệu USD trong quý I/2023, phần lớn các địa phương trong nhóm này cũng ghi nhận sụt giảm trong xuất khẩu.

 

Doanh nghiệp từng có đơn hàng cho vài quý, nay chỉ có cho 2-3 tháng

Nói riêng về Bình Dương, tại phiên họp thông qua tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương quý I mới đây, UBND tỉnh cho biết, sản xuất công nghiệp Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận sụt giảm, sức mua chưa như kỳ vọng.

Những khó khăn này đã được dự báo trước, thể hiện rõ từ quý III, IV/2022, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước đây, để chủ động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể nhận đơn hàng trước từ một đến hai quý, thậm chí là đến cuối năm. Tuy nhiên, trong quý I, các doanh nghiệp chỉ có được đơn hàng cho 2-3 tháng, hoặc đến giữa năm.

 

Về TP HCM, mới đây Sở Công Thương thành phố cho biết kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 của TP HCM giảm mạnh nhất trong 22 năm.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, chưa khi nào hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp khó như năm nay. Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề từ dệt may, nông lâm thuỷ sản cho tới chế biến gỗ. 

Ông cũng cho biết kim ngạch xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế thành phố bị ảnh hưởng do sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường thế giới. Tình trạng khó khăn có thể tiếp diễn đến giữa năm 2023. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, kết quả kinh tế thành phố cả năm sẽ không khả quan. 

Hôm 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đang đối diện tình trạng giảm sản lượng, giá trị xuất khẩu. Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ, lâm sản giảm hơn 28% và thuỷ sản hạ hơn 27%.

Trước khó khăn của hai ngành hàng tạo giá trị thặng dư xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Nhà nước sẽ tháo gỡ khó khăn, nhất là về thị trường, thể chế, vốn cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm - thuỷ sản. Việc này nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế và thu nhập cho gần chục triệu lao động. 

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xúc tiến thị trường mới cho xuất khẩu lâm - thuỷ sản. Bộ cũng cần đẩy mạnh giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu và hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tháo gỡ về thuế; miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất năm 2023. Bộ Công Thương phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại. Bộ Kế hoạch & Đầu tư được yêu cầu đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản, dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản. Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo thúc đẩy cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, lãi suất vay.

Các địa phương đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho ba sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh là tôm, cá tra và cá ngừ.   

Anh Đào

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.