|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỷ lệ xuất, nhập khẩu trên GDP cao thứ hai châu Á, kinh tế Việt Nam chịu áp lực lớn khi nhu cầu bên ngoài suy yếu

16:13 | 24/04/2023
Chia sẻ
Ở khu vực châu Á, dữ liệu từ World Bank cho thấy tỷ lệ xuất, nhập khẩu trên GDP của Việt Nam năm 2021 cao thứ hai, chỉ sau Singapore.

Trong báo cáo mới công bố, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital  lưu ý tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại (ngoại trừ các quốc gia nhỏ như Singapore), vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tế Việt Nam.

Ở khu vực châu Á, dữ liệu từ World Bank cho thấy tỷ lệ xuất, nhập khẩu trên GDP của Việt Nam năm 2021 cao thứ hai, chỉ sau Singapore. 

 

Mới đây, Reuters cũng nhận định tình hình trở nên khó khăn hơn với kinh tế Việt Nam khi nhu cầu nước ngoài yếu ớt.

Theo Reuters, trong mắt các công ty nước ngoài, Việt Nam từ lâu được xem là nơi sản xuất thay thế Trung Quốc với chi phí thấp. Những yếu tố thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam bao gồm việc tham gia nhiều hiệp định thương mại, cùng với với ưu đãi cắt giảm thuế quan, chi phí nhân công thấp, gần chuỗi cung ứng của Trung Quốc.  

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 13.5% lên 22 tỷ USD trong năm 2022, khi nhiều công ty ngoài chọn Việt Nam làm nơi sản xuất các mặt hàng như đồ điện tử, quần áo và giày thể thao.    

Dữ liệu Chính phủ cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 372 tỷ USD năm 2022, tương đương 90% GDP. Đặt lên bàn cân với những nước láng giềng, chỉ có quốc gia sản xuất dầu mỏ Malaysia từng đạt mức này. Tuy nhiên, nhu cầu bên ngoài hiện đang sụt giảm, tình hình trở nên khó khăn hơn.

 

 

 

 

Xuất, nhập khẩu năm nay có thể tăng trưởng âm

Trong báo cáo mới nhất, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong quý II do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, kéo theo đó là lượng đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất của Việt Nam sụt giảm.

Trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia phát triển gia tăng và kim ngạch xuất khẩu thực tế trong quý I thấp hơn dự kiến, khối phân tích hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 xuống -2%, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình là 15% trong giai đoạn 2021-2022.

Xuất khẩu có thể phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ mức nền thấp trong nửa cuối năm 2022 và được hỗ trợ từ việc nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.  

Khối phân tích cho rằng giá trị nhập khẩu khó có thể cải thiện đáng kể trong quý II do các doanh nghiệp có xu hướng giảm sản xuất trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới suy yếu.

Chuyên gia tại đây dự báo giá trị nhập khẩu sẽ giảm 3% trong năm 2023 (so với dự báo trước đó là 5%). Từ đó, kỳ vọng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tăng lên 15,7 tỷ USD vào năm 2023 từ mức xuất khẩu ròng 12,4 tỷ USD vào năm 2022 

Một công ty chứng khoán khác là Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng dự báo tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu năm nay kém khả quan, cụ thể dự báo cùng sụt giảm khoảng 2,5%, do nhu cầu toàn cầu giảm có thể ảnh hưởng mạnh hơn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.   

Cùng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định con đường để thương mại tăng trưởng dương trong năm 2023 sẽ tương đối gập ghềnh khi chưa thấy sự hồi phục trong số liệu nhập khẩu. Điều này hàm ý xuất khẩu trong những tháng tới vẫn khó khăn do các nhà sản xuất thận trọng trong mua nguyên liệu đầu vào.

Anh Đào