|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp da giày vẫn chưa có đơn hàng quý II, dự báo xuất khẩu quý III, quý IV tiếp tục khó khăn

17:52 | 22/04/2023
Chia sẻ
Theo ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội, đến nay doanh nghiệp da giày vẫn chưa có đơn hàng quý II, tức là quý III, quý IV vẫn khó khăn, bởi khi có đơn hàng còn phải làm hàng mẫu, một hai quý sau mới xuất khẩu được.

Thông tin bên lề Diễn đàn Kinh tế Thủ đô (CEF) 2023 diễn ra chiều 21/4, ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội, Chủ tịch HĐQT CTCP Cao su Hà Nội (Harco) cho biết, chưa bao giờ các doanh nghiệp trong ngày lại khó khăn như hiện nay.

Theo ông Việt, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều suy giảm mạnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý I/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50-70%, cá biệt có doanh nghiệp trong nước hiện không có đơn hàng xuất khẩu và phải tạm dừng sản xuất từ quý I đến nay.

Các doanh nghiệp phải tập trung vào thị trường nội địa khiến cung vượt quá cầu khiến sản xuất trì trệ. Để chống đỡ với khó khăn này, ông Phạm Hồng Việt cho biết, từ cuối năm ngoái, các doanh nghiệp đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, tuần chỉ còn làm việc 4 - 5 ngày và giảm quy mô sản xuất (cắt giảm dây chuyền sản xuất). 

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, chính vì vậy, sự tác động bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Đến giờ phút này, thông tin về triển vọng, tín hiệu của thị trường vẫn chưa có gì tích cực, các doanh nghiệp hiện đang rất bối rối, không biết định hình bước đi của mình cho các quý cuối năm ra sao, ông Việt nhìn nhận.

 

Doanh nghiệp da giày hiện bị cắt giảm 50-70% với các đơn hàng cũ, đơn hàng mới hiện chưa có gì. Cá biệt có doanh nghiệp hiện không có đơn hàng và phải tạm dừng sản xuất.

Ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP. Hà Nội

Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP Hà Nội cho biết, hiện chỉ có một vài đoàn của doanh nghiệp nước ngoài đi khảo sát chứ chưa có đơn hàng nào, còn các khách hàng truyền thống của da giày Việt Nam đều thông báo không có nhu cầu đặt hàng. Ngay cả Nike, Adidas là các thương hiệu lớn như vậy nhưng cũng tồn kho cũng rất nhiều, không có nhu cầu đặt đơn hàng mới.

"Đặc thù của ngành da giày là để có đơn hàng quý II thì từ quý IV/2022 đã phải làm hàng mẫu nhưng đến giờ phút này gần như không có đơn hàng mới", ông Việt Nói.

Nếu bây giờ nhận được đơn hàng mới thì cũng phải quý III và quý IV mới có thể xuất khẩu, bao giờ cũng phải có độ trễ ít nhất 6 tháng. Vì vậy, giai đoạn nửa năm tiếp theo ngành xuất khẩu da giày vẫn rất khó khăn, ông Việt cho hay.

Ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội. (Ảnh: Hạ An).

 

Ngoài ra, khi các doanh nghiệp duy trì sản xuất nhưng không bán được hàng, áp lực về vốn là rất lớn. Có những doanh nghiệp không có tiền trả lương công nhân, đóng phí bảo hiểm, phí công đoàn nên phải cắt giảm thời gian làm việc. Nếu không có biện pháp tháo gỡ sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản.

Hiện nay, Chính phủ đã có một số chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: Giảm tiền thuê đất, giãn nộp tiền thuê đất, hạ lãi suất.

Tuy nhiên, theo ông Việt, mức giảm lãi suất này chưa tác động được nhiều đến các doanh nghiệp mà phải giảm xuống nữa. Ông Việt nhấn mạnh cần có thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ việc thông tin về thị trường đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Hà Nội kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2% lãi suất cho nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đồng thời giãn nợ, tái cơ cấu nợ để doanh nghiệp không bị nợ xấu, dễ dàng huy động vốn tín dụng khi có đơn hàng trở lại. 

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách giảm, giãn tiền thuê đất của năm 2023. Vừa rồi là chính sách của năm 2022 còn năm 2023 cũng rất khó khăn nhưng chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tiền thuê đất.

Hạ An