|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải cắt giảm lao động, lên phương án nghỉ Tết kéo dài

07:00 | 09/11/2022
Chia sẻ
Cuối năm vốn là lúc cao điểm sản xuất của nhiều ngành hàng nhưng năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực như da giày, dệt may,... lại phải đối diện tình cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất.

'Làn sóng' cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng 

Cách đây vài ngày, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM), doanh nghiệp sản xuất giày da xuất khẩu tại TP HCM đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động trong tổng số khoảng 1.800 lao động hiện có. 

Theo thông báo đưa ra, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn, công ty không có đơn hàng sản xuất. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, công ty buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động

Tương tự, Công ty TNHH Việt Nam Samho (Huyện Củ Chi, TP HCM) cũng là đơn vị trong ngành giày gửi đơn thông báo đến Sở Lao động - Thương binh- Xã hội TP HCM về phương án cắt giảm 1.400 lao động với lý do đơn hàng bị sụt giảm. 

Không chỉ giảm lao động, Công ty TNHH Tashuan (KCN Tân Tạo, TP HCM), doanh nghiệp sản xuất linh kiện khuôn ép nhựa, đã phải thông báo tạm thời đóng cửa nhà máy do khó khăn trong sản xuất và cho người lao động nghỉ không lương 3 tháng từ ngày 7/11 cho đến khi có đơn hàng trở lại… 

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP HCM, cho biết thực tế nhiều doanh nghiệp sụt giảm 30-40% đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động. Việc này cũng khiến doanh nghiệp đau đầu vì nếu như đơn hàng tăng cao trở lại thì rất khó tuyển người lao động có tay nghề. 

"Có doanh nghiệp phải giảm đến 30% lượng lao động của công ty. Mặc dù biết là việc cắt giảm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi đơn hàng trở lại nhưng muốn giữ cũng không được, do không có lương để trả cho người lao động khi tình hình khó khăn về đơn hàng đươc dự báo kéo dài đến giữa năm 2023, nên doanh nghiệp không thể "gồng" 8 - 9 tháng để giữ chân lao động", ông Quốc Anh nói.

 Công nhân sản xuất tại các nhà máy dệt may. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn)

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP HCM, hiện nay trong tổng số 17 khu Chế xuất và Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng. 

Nguyên nhân các doanh nghiệp giảm đơn hàng là do tác động bởi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở châu Âu đang bắt đầu. Từ đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các nước Mỹ, châu Âu, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm… 

Trong khi đó, tại buổi họp báo chiều 3/11, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, có 22 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) gửi phương án sắp xếp lại lao động với hơn 1.600 lao động bị cho thôi việc. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động ở ngành may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm. 

Bên cạnh TP HCM, tại tỉnh Đồng Nai, một trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu 2021, nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án cho công nhân nghỉ Tết âm lịch 2023 kéo dài, cũng với lý do tình thạng thiếu đơn hàng sản xuất. 

Theo Báo Thanh Niên, ông Kiều Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH gỗ Lee Fu, cho biết do không có đơn hàng hiện nay doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, công nhân phải nghỉ vào ngày 7. Đối với kế hoạch nghỉ tết sắp tới, phía chủ doanh nghiệp thông báo dự kiến nghỉ từ ngày 2/1/2023 - 28/1/2023, thời gian kéo dài khoảng từ 1 tháng hoặc đến hơn 1 tháng tùy theo tình hình.

Cùng có kế hoạch tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (Đồng Nai), cho hay: “Công ty có khoảng 1.200 lao động, hiện chúng tôi vẫn xoay xở được đơn hàng. Công ty dự tính cho công nhân nghỉ tết gần 1 tháng, nhưng sẽ lấy ý kiến công nhân rồi mới đưa ra quyết định phù hợp”.

Giải pháp nào cho tình thế khó khăn hiện nay?

Tết Nguyên đán, thời điểm cả doanh nghiệp tăng năng suất nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận trong năm, đang tới gần nhưng hiện nay các công ty chỉ hy vọng có đơn hàng để duy trì sản xuất và lực lượng lao động.

Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn cho biết so với nhiều doanh nghiệp có lượng đơn hàng sụt giảm sâu, mức giảm của công ty ước khoảng 20%, lượng đơn hàng chỉ đủ cho công nhân làm việc 8 tiếng/ngày, trong khi lúc cao điểm trước đó người lao động phải tăng ca buổi tối và cuối tuần.

Theo ông, trước đây những tháng cuối năm là thời điểm người lao động có cơ hội tăng ca thường xuyên, tăng thu nhập nhưng hiện giờ không còn được vậy do thiếu đơn hàng nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất để không phải cắt giảm lao động như nhiều doanh nghiệp phải làm.

  Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh).

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho hay: “Các doanh nghiệp hiện nay chỉ cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng. Khi đèn trong xưởng không còn sáng nữa thì đó là lúc doanh nghiệp không còn hàng để sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm và không có thu nhập".

Theo ông Hồng, từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn, nhất là Mỹ và châu Âu là thị trường lớn nhất.

"Giải pháp của doanh nghiệp là giảm số giờ làm và bố trí luân phiên làm việc, có thể người này bộ phận này làm việc tuần này thì tuần sau ngưng bộ phận khác làm, làm sao để người lao động luôn luôn có việc làm, có thu nhập, dĩ nhiên thu nhập của người lao động sẽ giảm”, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM chia sẻ. 

Còn theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, với ngành dệt may các doanh nghiệp cần chia sẻ đơn hàng thời trang mùa đông để cùng sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, phải chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, không còn làm chuyên biệt một vài loại sản phẩm trong giai đoạn này.  

"Do khó khăn đến từ những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật... nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi, tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường khác như Australia, Canada, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, hay một số sản phẩm xuất ngược sang Trung Quốc và hướng vào thị trường nội địa", ông Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, tại thị trường nội địa, dòng tiền của các doanh nghiệp đang chậm lại do tình hình khó khăn chung, sức mua của người tiêu dùng cũng kém hơn do lao động không còn nhiều việc làm, các ngành hàng khác sản xuất, kinh doanh và đầu tư khác cũng đều gặp khó. Do đó, ông Quốc Anh cho rằng việc quay về thị trường nội địa cũng không có nhiều kỳ vọng.

Như Huỳnh