|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VDSC: Nỗi lo hàng tồn kho cao sẽ đè nặng lên doanh nghiệp dệt may

10:20 | 08/10/2022
Chia sẻ
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng ngoài việc nhu cầu giảm có thể tiếp diễn sang 2023 thì nỗi lo về hàng tồn kho cao từ phía khách hàng cũng đè nặng lên các doanh nghiệp dệt may trong cuối năm nay.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31,3 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ. 

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 12,9 tỷ USD, tiếp theo đó là Nhật Bản và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt là 2,5 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.

Trong nửa đầu tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của may mặc đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm nay. 

 

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định đây là dấu hiệu cho việc các đơn đặt hàng của khách hàng giảm đi đáng kể, và quý IV năm nay có lẽ không còn là mùa cao điểm của các doanh nghiệp dệt may dưới tác động tiêu cực của vĩ mô. 

“Ngoài việc nhu cầu giảm có thể tiếp diễn sang 2023 thì nỗi lo về hàng tồn kho cao từ phía khách hàng cũng đè nặng lên các doanh nghiệp dệt may trong cuối năm nay”, theo VDSC.

Công ty cho rằng đơn đặt hàng hàng may mặc có thể chậm lại do tác động tiêu cực của thị trường do lạm phát cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, kết hợp với lượng hàng tồn kho cao phía khách hàng. 

Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD vẫn đang thấp trong xu hướng mất giá chung. VDSC cho rằng tác động đầu tiên là giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên thị trường xuất khẩu so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp dệt may có doanh thu bằng USD, tuy nhiên họ cũng phải chịu chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào cũng bằng USD, chi phí logistic, và chi phí lãi vay (đặc biệt là vay ngắn hạn bằng đồng USD trong thời kỳ lãi suất tăng cao và nhiều biến động). 

Do vậy, khi doanh thu bằng đồng USD không đủ để bù đắp phần chi phí, các doanh nghiệp dệt may sẽ chịu tác động tiêu cực khi tỷ giá USD/VND leo thang. 

Bên cạnh ảnh hưởng tỷ giá USD/VND, một số doanh nghiệp dệt may có thị trường tiêu thụ tại châu Âu cũng bị ảnh hưởng khi sức mua của khách hàng châu Âu suy yếu với một phần nguyên nhân là do đồng EUR đã suy giảm đáng kể.

H.Mĩ