|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ảnh hưởng nặng nề do thiếu đơn hàng, dệt may, da giày, chế biến gỗ đứng đầu về cắt giảm lao động

14:52 | 30/11/2022
Chia sẻ
Trong 10 tháng đầu năm có tới 41.556 người mất việc (chiếm 8,8%), 430.665 người giảm giờ làm (chiếm 91,20%) bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022 có 122.000 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. 

Điều này khiến cho 472.214 lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm, trong đó 41.556 người mất việc (chiếm 8,8%), 430.665 người giảm giờ làm (chiếm 91,20%) bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.  

Dệt may, da giày và chế biến gỗ chiếm 77% lao động bị ảnh hưởng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, với 430.000 lao động bị ảnh hưởng giờ làm việc, ngành nghề dệt may có 131.340 lao động (chiếm 27,81%); da giày có 171.414 lao động (36,30%); chế biến gỗ có 63.681 lao động (13,49%); điện tử có 19.535 lao động (4,14%); cơ khí có 5.239 lao động (1,11%); các ngành nghề khác 81.000 lao động (17,15%). 

Như vậy, chỉ riêng 3 lĩnh vực dệt may, da giày và chế biến gỗ đã chiếm tới gần 78% lượng lao động bị ảnh hưởng.

Trong 10 tháng đầu năm 2022 có 122.100 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động khiến nhiều người lao động mất việc làm.

Số doanh nghiệp cắt giảm lao động lên tới 1.235 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp dệt may (chiếm 18,28%), chế biến gỗ (15,86%), da giầy (8,82%) và các ngành khác (49,51%). 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là 110 tỷ đồng; có 121 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của 32.315 lao động với tổng số tiền là 237, 9 tỷ đồng.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Theo thông tin tổng hợp từ công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động.

Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp để giữ ổn định lao động

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam gồm: Mỹ, các đối tác nằm trong CPTPP, EU và Hàn Quốc.

"Sức mua toàn cầu đang giảm mạnh, ngành dệt may cũng giảm nhưng so với da giày, gỗ thì còn ít hơn. Những doanh nghiệp nào làm gia công thì sẽ chịu tác động lớn hơn, còn doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động nguyên phụ liệu chịu tác động ít hơn”, ông Giang nói.

Trước áp lực đơn hàng giảm sút, Vitas sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp trong năm nay, tiếp tục kiến nghị bộ Tài chính, Tổng cục hải quan cân nhắc bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu tại chỗ. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

"Với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao như dệt may, nhà nước có thể cân nhắc giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động", ông Giang chia sẻ.

Hạ An