Dệt may, da giày gặp khó, động lực xuất khẩu chỉ còn trông vào ngành điện thoại, điện tử, máy móc thiết bị
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 50,37 tỷ USD, tăng 8,1% so với 10 tháng/2021.
Nhóm ngành máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 46,62 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021 và ngành máy móc thiết bị phụ tùng 38,17 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là những ba lĩnh vực dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ngành điện tử vẫn "cầm cự" được trước khó khăn chung
Mặc dù có sự khó khăn do sự suy giảm kinh tế chung của toàn cầu, song tại Việt Nam, tình hình các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đến mức quá "ảm đạm".
Một nguồn tin của chúng tôi cho biết, tình hình kinh tế khó khăn khiến lượng đơn hàng của Samsung sụt giảm so với kỳ vọng. Xu hướng trên sẽ thể hiện rõ trong doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ được công bố vào tháng 1/2023.
Tuy nhiên, hiện tại các nhà máy của Samsung vẫn hoạt động bình thường chứ không có tình trạng cắt giảm nhân sự như một số lo ngại của các chuyên gia.
Tương tự, một số doanh nghiệp lớn phía Bắc và cả các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa cũng không phải sa thải nhân sự hàng loạt hay luân phiên làm việc như tình trạng đang xảy ra tại nhiều doanh nghiệp dệt may và da giày lớn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lao động dệt may, da giày bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên do thiếu đơn hàng 26/11/2022 - 07:35
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, ngành điện tử đã phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và mới đây là việc nhu cầu suy giảm do lạm phát và suy thoái kinh tế ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực công nghiệp tiên tiến với sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, điện tử hay công nghiêp chế biến, chế tạo có những lợi thế nhất định so với những lĩnh vực chỉ gia công đơn giản.
Năm 2021, ngành điện tử xuất siêu 11,4 tỷ USD trong khi cả nước xuất siêu 4 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2022, ngành điện tử xuất 7,93 tỷ USD trong khi cả nước xuất siêu 6,5 tỷ USD. Những con số này cho thấy vai trò to lớn của ngành điện tử Việt Nam trong cân bằng cán cân thương mại.
Đây cũng là ngành đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu so với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong suốt 15 năm. Năm 2021, một năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử xuất vẫn đạt 108 tỷ USD, đứng thứ 20 về xuất khẩu trên toàn cầu.
Phát triển doanh nghiệp Việt nhờ vào "sếu đầu đàn" FDI
Bà Hương cũng cho hay, đến nay, câu chuyện “doanh nghiệp Việt không thể sản xuất con ốc vít” đã không còn đúng, chuyện đó chỉ xảy ra từ 20 năm trước.
Năm 2016, khi Samsung bắt đầu vào đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội (local vender) tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung chỉ có 3-4 doanh nghiệp. Đến nay, đã có trên 217 doanh nghiệp là vender các lớp 1,2,3 của Samsung, trong đó có trên 50 doanh nghiệp là vender cấp 1, tức cung cấp trực tiếp cho Samsung.
Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp nội, cũng như sự hỗ trợ của Samsung đối với các doanh nghiệp nước ta. Không chỉ Samsung mà có rất nhiều hãng cũng phát triển nhà cung ứng nội địa với quy mô lên tới hàng trăm doanh nghiệp. Không những thế, các doanh nghiệp Việt thậm chí còn sản xuất được các linh kiện có hàm lượng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn, vì vậy, cần phải làm sao để xây dựng ngày càng nhiều những doanh nghiệp Việt đóng góp những sản phẩm với hàm lượng công nghệ cao cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19 theo bà Hương cũng là cơ hội của Việt Nam.
"Chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19 đang được định hình lại khi các nhà sản xuất ở đầu chuỗi có nhu cầu đa dạng hoá nhà cung cấp, ổn định chuỗi cung ứng,.. Việt Nam là một trong những địa điểm được lựa chọn của họ", bà Hương cho biết.
Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử đã đón tiếp khá nhiều doanh nghiệp FDI tìm cách đầu tư vào Việt Nam. Gần đây nhất, các doanh nghiệp Đài Loan đang muốn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam, trong đó có rất nhiều đối tác của các tập đoàn công nghệ lớn như Foxcorn của Apple. Các công ty IOT từ Canada, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc bày tỏ mong muốn thiết lập cả chuỗi cung ứng tại việt Nam.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ nhìn nhận, hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng sẽ tham gia vào các chuỗi cung ứng ở tầng cao hơn nhưng để làm được điều đó cần có những khuyến nghị chính sách để doanh nghiệp Việt có đủ năng lực lớn mạnh và vững tin khi đầu tư vào một ngành công nghiệp tiên tiến nhưng đầy rủi ro.
Ông Nguyễn Quang Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng đánh giá, Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm chế biến chế tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt tham gia ở phân khúc nào trong trung tâm đó mới là vấn đề thực sự.
"Các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam vì các yếu tố về đất đai, nhân công giá rẻ, vậy còn doanh nghiệp Việt Nam cần gì ở họ? Nếu chúng ta trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo nhưng doanh nghiệp nội chỉ làm được các công đoạn giản đơn như bao bì, vỏ hộp thì sẽ đó không phải là kỳ vọng của Việt Nam", ông nói.
Theo ông Toàn, việc ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam như Samsung, LG, Xiaomi hay Foxcorn là liều thuốc để kích thích các doanh nghiệp Việt phát triển. Các doanh nghiệp cần học hỏi dưới sự hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới để tham gia vào các công đoạn phức tạp, công nghệ cao.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển.