|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lao động dệt may, da giày bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên do thiếu đơn hàng

07:35 | 26/11/2022
Chia sẻ
Tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu đang gây ra làn sóng cắt giảm lao động trên diện rộng. Đặc biệt, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành dệt may hay da giày, lĩnh vực vốn sử dụng nhiều lao động.

Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP HCM) thông báo cho gần 20.000 công nhân lao động sắp xếp nghỉ luân phiên, do thiếu hụt đơn hàng. PouYuen Việt Nam hiện là doanh nghiệp ngành da giày có số lượng lao động lớn nhất trên cả nước.

Mặc dù, công ty cho biết sẽ chi trả tiền lương cho ngày nghỉ luân phiên là 180.000 đồng/ngày, song việc phải nghỉ luân phiên cũng khiến nhiều người lao động lo lắng do đây là giai đoạn cận Tết Nguyên đán, đa phần người lao động cố gắng làm việc để có chi phí về quê ăn Tết.

Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9-11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Việc cắt giảm này đi ngược xu thế mọi năm khi cùng kỳ các nhà máy thường gia tăng tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng. 

Ngoài PouYuen Việt Nam, S.K Vina, An Giang Samho cũng là các nhà máy ở phía Nam phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.

Ngành dệt may sẽ khó khăn đến hết quý II/2023

Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, một số khách hàng của May 10 đang rà soát lại hàng tồn kho, họ đã nghĩ là mùa này bán được nhưng giờ sắp đến Giáng sinh mà tồn kho nhiều quá, nên quyết định hủy đơn hàng.

"Chúng tôi đã mua nguyên phụ liệu, nhưng ngay cả như vậy họ vẫn nói luôn là từ từ sản xuất, vì hàng tồn kho lớn, dự trù nếu bán được trong mùa Giáng sinh thì mới đặt tiếp. 10-15% khách hàng của chúng tôi yêu cầu đợi ra Tết rồi hãy sản xuất", ông Việt cho biết và dự báo từ quý I đến quý II năm sau sẽ rất khó khăn với ngành dệt may.

Thay vì tình trạng tăng ca, tăng kíp thường thấy trong những dịp cuối năm, vào năm nay tình hình khó khăn hậu COVID-19 cùng với yếu tố về lạm phát, kinh tế thế giới suy thoái đã kiến nhu cầu của các thị trường xuất khẩu Việt Nam sụt giảm nặng nề.

Theo dự báo mới đây của Bộ Công Thương, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của nhiều ngành nghề, trong đó có ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan.

Thực tế số lượng đơn đặt hàng trong quý IV năm nay đang thấp hơn 25 - 50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15 - 20% do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện đang ở mức cao. 

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu dệt may ước đạt 35 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi tháng đạt 3,7 – 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, dự kiến 3 tháng cuối năm bình quân chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1 – 3,2 tỷ USD/tháng. 

Công nhân tại của PouYuen Việt Nam (Ảnh: Thanh niên).

Duy trì hoạt động bằng đơn hàng nhỏ lẻ

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, cùng với tình trạng sụt giảm đơn hàng, biến động tỷ giá cũng đang tác động nhiều chiều lên doanh nghiệp dệt may.

USD tăng cao giúp doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi nhưng ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu lại đang bất lợi, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam hiện đang nhập khẩu với tỷ lệ khá lớn nguyên phụ liệu, nhất là vải. 

Ông Cẩm khuyến cáo, doanh nghiệp sản xuất phải theo dõi sát tình hình thị trường, lựa chọn đơn hàng phù hợp để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng không nên quá lo lắng và ký các đơn hàng dài hơi với giá thấp vì về lâu dài sẽ rất thiệt thòi. 

Chia sẻ về cách mà May 10 có thể duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn, ông Thân Đức Việt cho biết, để có đơn hàng trong quý IV và đến trước Tết, doanh nghiệp chấp nhận làm cả những cái đơn hàng thời trang đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn và thời gian giao hàng ngắn hơn.

Ông lý giải điều này sẽ khó với các doanh nghiệp quen làm những đơn hàng lớn, đơn hàng cơ bản bởi họ không thể xoay trục nhanh trong thời gian ngắn được. Đồng thời, May 10 cũng đầu tư mạnh vào công nghệ, với một xưởng may được đầu tư 10 triệu USD với khoảng 300 công nhân. 

Trước tình trạng doanh nghiệp sản xuất gặp khó về đơn hàng, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng kiến nghị Thủ tướng cần chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.

Đặc biệt, cần khẩn trương tiến hành các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn.

Trong quá trình này, còn cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, đặc biệt xu hướng thiết lập các hàng rào kĩ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh xanh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới .

Hạ An