Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 45-47 tỷ USD năm 2023
Trái ngược với hai quý đầu năm lượng đơn hàng dồi dào, từ tháng 7 trở đi, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân từ việc chịu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới như lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero- COVID” của Trung Quốc…
Tuy nhiên, chia sẻ tại buổi giới thiệu Hội nghị Tổng kết ngành dệt may Việt Nam năm 2022 diễn ra sáng 18/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước tính sẽ đạt 42 tỷ USD trong năm nay, tăng 3,8% so với năm 2021. Mục tiêu năm 2023, dệt may Việt Nam đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD.
"Tùy thuộc vào diễn biến của tháng 11, 12 năm nay, nếu có những thông tin giảm hàng tồn tại các nước nhập khẩu lớn sẽ có thể điều chỉnh mục tiêu này trong thời gian tới", ông Giang cho biết.
Theo đại diện Vitas, có hai nguyên nhân khiến ngành hàng kỳ vọng vào mục tiêu năm 2023 đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ đưa thuế suất về 0. Đây được xem là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng.
"Thời gian qua, toàn ngành khó khăn nhưng chuyển dịch đầu tư của các nước trong khu vực vào Việt Nam tương đối có bứt phá. Hay trước đây, chúng ta cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ thì đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanma sang”, ông Giang chia sẻ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thúc đẩy chủ động nguyên phụ liệu trong nước và tỷ trọng này ngày càng tăng, ông Giang cho rằng đây cùũng là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.
Cụ thể, hiện tỷ trọng nội địa hóa ngành dệt may chiếm khoảng 49%, mục tiêu sẽ tăng lên 51-55% vào giai đoạn 2023-2025.
Ngoài ra, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.
Về tình hình dệt may hiện tại, theo số liệu của Vitas, 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, các nước trong hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khối EU và Hàn Quốc.
“Sức mua toàn cầu giảm, ngành dệt may giảm như vậy vẫn còn ít so với ngành da giày, gỗ… nhưng cũng có những doanh nghiệp không giảm nhiều như vậy. Những doanh nghiệp nào làm gia công thì sẽ chịu tác động lớn hơn, còn doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động nguyên phụ liệu chịu tác động ít hơn”, ông Vũ Đức Giang cho hay.
Trước áp lực đơn hàng giảm sút, Vitas sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp trong năm nay, tiếp tục kiến nghị bộ Tài chính, Tổng cục hải quan cân nhắc bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu tại chỗ. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.
"Với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao như dệt may, nhà nước có thể cân nhắc giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động", ông Giang chia sẻ.