|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mirae Asset: Tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu dệt may giảm tốc

11:11 | 11/11/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia Mirae Asset, việc ngành dệt may có dấu hiệu giảm tốc có thể do các đơn hàng bắt đầu đến chậm hơn trước lo ngại về một đợt suy thoái trong năm 2023, khiến cho các công ty trong ngành phải giảm hoạt động sản xuất.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset về thị trường dệt may Việt Nam cho biết trong tháng 10/2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may tại Việt Nam ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng năm 2022, mặt hàng này đạt giá trị xuất khẩu tăng gần 22% so với cùng kỳ, đạt 31,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 10 chỉ đi ngang so với tháng trước đó và tốc độ tăng trưởng giảm hơn 24%. 

Mirae Asset cho rằng việc sản xuất có dấu hiệu giảm tốc có thể do các đơn hàng bắt đầu đến chậm hơn trước lo ngại về một đợt suy thoái trong năm 2023, khiến cho các công ty trong ngành phải giảm hoạt động sản xuất.

 

Về mặt hàng sợi, giá trị xuất khẩu xơ sợi trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022 ước đạt lần lượt 309 triệu USD và 4,1 tỷ USD, tương ứng giảm 34,3% và 10,6% so với cùng kỳ.

Xét về lượng, báo cáo ước tính, xuất khẩu sợi trong tháng 10 ước đạt 115.000 tấn, giảm 22,5% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2022, mặt hàng xuất khẩu này đã giảm hơn 18% so với cùng kỳ, đạt 1,32 triệu tấn.

Đối với sản xuất mảng dệt, trong 10 tháng này cũng ghi nhận dấu hiệu giảm tốc, cụ thể chỉ số IIP (sản xuất công nghiệp) mảng dệt chỉ tăng 3,7% trong tháng 10, trong khi so với tháng 9 mức tăng này là 4%).

Trong tháng 9, mảng dệt ở Trung Quốc giảm 1,6% s với cùng kỳ. Với việc kiên trì theo đuổi chính sách giãn cách nhằm kiểm soát dịch COVID và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến thị phần hàng dệt may Trung Quốc tại Mỹ liên tục giảm, hoạt động sản xuất trang phục cũng đi xuống do lo ngại về suy thoái khiến đơn hàng dệt may chậm lại, kéo theo nhu cầu của sợi suy giảm. 

Chuyên gia Mirae Asset cho rằng ngành hàng này đang bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế kém khả quan trước bối cảnh lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Cùng với đó, việc các Ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và giá khí đốt tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine khiến giá cotton cuối tháng 9 năm 2022 cũng giảm mạnh cho thấy tín hiệu về nhu cầu sụt giảm của chuỗi cung ứng ngành.

 

Như Huỳnh

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.