VCBS: Đơn hàng dệt may quý IV có thể tiếp tục giảm do lạm phát, tồn kho cao
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết 8 tháng đầu năm, ngành dệt may vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng kim ngạch 29,7 tỷ USD.
VCBS cho rằng việc tỷ giá USD/VND tăng đã tác động tích cực đến giá trị xuất khẩu dệt may sang Mỹ, thị trường chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới (FTA) vẫn là động lực chính gia tăng thị phần hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường mục tiêu.
Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các khối nước EU, Anh và ASEAN vẫn tăng trưởng hai chữ số trong 8 tháng đầu năm, lần lượt là 41%, 43% và 11% nhờ các hiệp định mới bao gồm EVFTA, UKVFTA và RCEP.
Tuy nhiên VCBS dự báo số lượng đơn đặt hàng tại các doanh nghiệp Việt Nam trong quý IV có thể tiếp tục bị ảnh hưởng dưới tác động của lạm phát cũng như các nhãn hàng vẫn còn lượng lớn hàng tồn kho.
Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống còn 3,2 tỷ USD.
Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu tác động của biến động tỷ giá từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu hàng may mặc. Lãi lỗ từ tỷ giá có thể tăng hoặc giảm mạnh tùy vào cơ cấu xuất nhập khẩu đặc thù của từng doanh nghiệp cũng như tỷ lệ nợ vay nước ngoài.
Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) thông tin doanh thu 8 tháng đầu năm của dệt may Thành Công đạt 127 triệu USD (khoảng 3.011 tỷ đồng) tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 và thực hiện được 72% so với kế hoạch năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8 triệu USD (189 tỷ đồng), tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt khoảng 75% so với kế hoạch năm 2022.
VCBS cho rằng lợi nhuận sau thuế của may Thành Công tăng mạnh chủ yếu nhờ mức nền thấp trong giai đoạn dịch COVID năm 2021. Biên lợi nhuận ròng đã có sự cải thiện khi tăng khoảng 3% so với quý trước, đạt 6,3%, ngang bằng với biên lợi nhuận ròng trước dịch.
Tính đến tháng 9, công ty đã nhận đủ đơn hàng cho quý III, nhận hơn 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV và bắt đầu nhận một số đơn hàng cho quý I/2023.
Còn về phía CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG), doanh thu và lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm của công ty đạt lần lượt 4.704 tỷ đồng và 204 tỷ đồng, tăng 33% và 44% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc nhờ mức nền thấp năm 2021 và công ty chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường chủ đạo như Mỹ và EU. Doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí, nâng biên lợi nhuận.