Dệt may Thành Công (TCM) lãi gần 190 tỷ đồng sau 8 tháng đầu năm, đã nhận đơn hàng cho quý I/2023
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố tình hình kinh doanh trong tháng 8 với doanh thu của công ty đạt hơn 19,4 triệu USD (khoảng 460 tỷ đồng), tăng 85% so với tháng 8/2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,3 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng), gấp 4,8 lần.
Cơ cấu doanh thu của Thành Công đến từ ba mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 77%, vải chiếm 15%, sợi chiếm 6% và mảng khác chiếm 1% tổng doanh thu.
Dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí xăng dầu và chi phí logistics tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022 nhưng kết quả kinh doanh 8 tháng của công ty vẫn khả quan.
Theo đó, doanh thu 8 tháng đầu năm của dệt may Thành Công đạt 127 triệu USD (khoảng 3.011 tỷ đồng) tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 và thực hiện được 72% so với kế hoạch năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8 triệu USD (189 tỷ đồng), tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt khoảng 75% so với kế hoạch năm 2022.
Dệt may Thành Công xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước lớn trên thế giới. Trong đó, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất với 56,5% (Nhật Bản chiếm 21,5%, Hàn Quốc chiếm 20,2%...)
Tiếp đến là châu Mỹ chiếm 41%, trong đó thị trường Mỹ chiếm 39,57%, châu Âu chiếm 2,2% trong đó thị trường Anh chiếm 2%.
Tính đến tháng 9, công ty đã nhận đủ đơn hàng cho quý III, nhận hơn 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV và bắt đầu nhận một số đơn hàng cho quý I/2023.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng ngành hàng dệt may cũng đang phải chứng kiến những tác động bất lợi lên chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng do chi phí vận chuyển tăng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc...
"Đơn hàng có xu hướng chậm hơn từ quý II/2022 đổ đi do bất ổn về kinh tế tại một số quốc gia nhập khẩu lớn của ngành, khiến triển vọng nửa sau của năm kém khả quan hơn 6 tháng đầu năm", ACBS nhận định.
Đánh giá triển vọng ngành hàng những tháng cuối năm, ACBS có cái nhìn trung lập đối với ngành dệt may do một số ý kiến lo ngại lạm phát có thể tác động tiêu cực đến việc chi tiêu cho các sản phẩm dệt may ở các khách hàng lớn như Mỹ và EU.
Dù vậy, tác động có thể không giống nhau ở những phân khúc sản phẩm và thị trường khác nhau. Cho cả năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu là 38-39 tỷ USD cho kịch bản xấu nhất, 40-41 tỷ USD cho kịch bản trung bình và 42,5-43,5 tỷ USD cho kịch bản tốt nhất.