Ông Trương Gia Bình: Mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm là kỷ luật của FPT, bằng mọi cách phải làm được
Chiều 15/4, CTCP FPT (Mã: FPT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Đại hội năm nay ghi nhận số lượng cổ đông tham dự tăng đột biến so với một năm trước với 2.020 cổ đông tham dự (bao gồm 1.551 cổ đông tham dự trực tiếp và 469 cổ đông uỷ quyền), đại diện cho 66,77% cổ phần. Đây là lượng cổ đông tham dự đông nhất từ trước đến nay của FPT.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông của FPT. (Ảnh: FPT).
Đánh giá về năm 2025, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT nhìn nhận: "Có thể nói, là khó khăn ngút trời, và những cơ hội không thể tưởng tượng được. Phải nói rằng chúng ta đang đi vào giai đoạn, mà khi tôi nói chuyện với mọi người, tất cả đều không nói được gì về tương lai”.
Tuy nhiên, người đứng đầu tập đoàn cũng cho rằng, cơ hội của Việt Nam là rất lớn bất chấp những khó khăn của bối cảnh chung.
Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 75.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ; tăng lần lượt 20% và 21% so với con số kỷ lục đạt được năm 2024.
Nếu đạt được con số trên thì đây sẽ là năm thứ 7 liên tiếp FPT ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ và là năm thứ 5 tăng trên 20%.
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho biết mục tiêu doanh thu tăng trưởng 25%, lợi nhuận tăng 21% là "một nhiệm vụ rất thách thức trong bối cảnh hiện nay". “Chúng tôi rất can đảm đặt con số cho bản thân mình, nhưng chúng tôi cũng không chủ quan. Chúng tôi sẽ theo sát thực tiễn để đưa ra các kịch bản hoàn thành mục tiêu đề ra”.


Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2025.
Trong đó, mục tiêu doanh thu khối công nghệ và khối viễn thông cùng tăng trưởng hai chữ số, lần lượt tăng 26% (49.260 tỷ) và 13% (19.900 tỷ). Trong khi mảng giáo dục, đầu tư và khác dự kiến tăng chưa tới 2% lên 6.240 tỷ.
Với lợi nhuận trước thuế, lĩnh vực công nghệ được kỳ vọng tăng 27%, đạt 6.655 tỷ đồng. Khối viễn thông dự kiến lợi nhuận đạt 4.200 tỷ, tăng 17% còn lợi nhuận khối giáo dục, đầu tư và khác dự báo tăng trưởng gần 13% lên 2.540 tỷ.


Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin các năm và kế hoạch 2025.
Năm 2025, FPT đề ra kế hoạch khối công nghệ, AI phải được tích hợp vào mọi dịch vụ, sản phẩm; phát triển các dịch vụ và mở rộng Nhà máy AI hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp hạ tầng AI và Cloud hàng đầu khu vực.
Đồng thời, FPT sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các đề án lớn của Chính phủ; tập trung vào những trận đánh lớn quy mô trăm triệu USD với khách hàng lớn trên toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc FPT, việc tích hợp AI vào sản phẩm Made by FPT, mở rộng AI Factory ở Việt Nam và Nhật Bản là mục tiêu tối quan trọng.
Ông cũng đề cập Nghị quyết 57 - cơ hội lớn cho các công ty công nghệ, cuộc cách mạng thay đổi toàn diện, phát triển khoa học công nghệ trong nước. “Việt Nam chúng ta đang có những hậu thuẫn thay đổi từ quyết sách, do đó FPT sẽ nâng cao năng lực công nghệ, hệ thống của mình”.
Khối Viễn thông song song với việc đẩy mạnh đầu tư các trung tâm dữ liệu và hạ tầng truyền dẫn quốc tế sẽ đẩy mạnh khai thác các dịch vụ mới như: Esports, các hệ thống về IoT và các giải pháp về quản lý năng lượng.
Ông Khoa chia sẻ thêm: "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh chiều sâu về chất lượng, năng lực, và chiều rộng vệ đổ phủ cho các trung tâm dữ liệu. Cuối năm nay FPT sẽ đưa vào trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại tầm cỡ thế giới tại TP HCM”.
Với Giáo dục, FPT sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phổ thông, dạy nghề và đại học tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Về kế hoạch đầu tư, năm nay, FPT dự kiến chi 11.000 tỷ đồng. Đối với khối công nghệ, công ty dự kiến dành 6.000 tỷ để mở rộng các tổ hợp văn phòng tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn; đầu tư nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.
2.500 tỷ đồng dành cho khối viễn thông để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm dữ liệu.
Khối giáo dục, đầu tư và khác cũng được đầu tư 2.500 tỷ đồng để mở rộng các khuôn viên đại học, đồng thời mở rộng thêm các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Muốn phát hành hơn 222 triệu cổ phiếu thưởng
Đối với phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, tập đoàn dự kiến chia cổ tức tiền mặt là 20% (2.000 đồng/cp), đánh dầu năm thứ 7 liên tiếp doanh nghiệp duy trì mức cổ tức này.
Trước đó công ty đã tạm ứng 10% trong năm 2024. Đợt chi trả còn lại sẽ diễn ra sau khi được ĐHĐCĐ thường niên phê duyệt, dự kiến thực hiện trong quý II/2025.
Ngoài ra, FPT cũng lên kế hoạch phát hành hơn 222 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 20:3, tức mỗi cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu nhận thêm 3 cổ phiếu mới. Nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc nguồn vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính công ty mẹ gần nhất được kiểm toán.
Sau phát hành, công ty sẽ nâng vốn điều lệ từ 14.711 tỷ đồng lên 16.933 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý III.
Đối với năm 2025, HĐQT đề xuất mức cổ tức tiếp tục là 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp).
HĐQT tập đoàn cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) giai đoạn 2026 - 2030 cho cán bộ quản lý cấp cao. Tổng tỷ lệ phát hành không quá 1% trong vòng 5 năm và bị hạn chế chuyển nhượng 10 năm.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Thảo luận
Rủi ro tiềm ẩn có thể tác động tới mức tăng trưởng quanh 20% của lợi nhuận năm nay của FPT?
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT: Đối với chúng tôi mức 20% đấy là kỷ luật, bằng mọi cách phải làm được.
Thế giới đang đứng trước những khó khăn ngút ngàn. FPT liên tục nghĩ đến từ nguy cơ. Nguy chúng ta nói rồi, giờ chúng ta nói cơ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại xuyên quốc gia, sẽ có những dòng chảy về nhân lực, việc làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động ở tất cả các nơi mà các tập đoàn quốc tế đang có mặt để có những giải pháp giúp họ giải quyết vấn đề khó khăn, thách thức.
Về kế hoạch mở rộng các nhà máy AI. AI càng phổ cập, bình dân hóa thì nhu cầu nhà máy AI càng lớn. Dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng chúng tôi sẽ có kế hoạch mở rộng các nhà máy phù hợp.
Kế hoạch phát triển tại thị trường Trung Đông?
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc: Trung Đông là thị trường hấp dẫn với các công ty Việt Nam và cả Ấn Độ, Mỹ, châu Âu. Doanh số FPT tại đây cũng đã lên tới triệu USD, khách hàng là những tập đoàn lớn. Để vào được thị trường, mình phải hiểu về văn hoá và có những mối quan hệ cấp cao nhất. Sắp tới, FPT sẽ có những hợp tác quy mô lớn về cả về Data center và AI tại thị trường này.
Dự án ứng dụng AI của FPT dự kiến đóng góp bao nhiêu vào doanh thu 2025 và trong các năm tới?
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc: AI của FPT chia thành ba nhóm. Thứ nhất là hạ tầng (các nhà máy AI), thứ hai là các nền tảng và ứng dụng AI, thứ ba là dịch vụ AI.
Chúng tôi đang làm nhiều nền tảng ví dụ như AI Agent, đã có nhiều ứng dụng được phát triển cho khối ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ.
Doanh số 2024 của mảng nền tảng và các ứng dụng AI là khoảng 15 triệu USD, đặt mục tiêu tăng trưởng 50%/năm. Dịch vụ AI gồm dịch vụ AI và dịch vụ dữ liệu cho AI chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài, doanh thu 2024 là 60 triệu USD, đặt mục tiêu tăng trưởng 40%.
Doanh thu của mảng nền tảng và các ứng dụng AI; Dịch vụ AI và dịch vụ dữ liệu cho AI trong 5 năm tới có giữ được mức tăng trưởng 50% và 40% như năm 2025 không?
Ông Nguyễn Thế Phương: Chúng tôi tin tưởng trong vòng 5 năm tới nhu cầu đầu tư AI của khách hàng (doanh nghiệp, chính phủ) sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, chúng tôi kỳ vọng mảng nền tảng và các ứng dụng AI; dịch vụ AI và dịch vụ dữ liệu sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 30-50% trong vòng 3 năm tới.
Các nguy mà FPT có thể đối mặt đặc biệt tại thị trường nước ngoài? Kế hoạch đạt doanh thu 20%, trường hợp xấu nhất năm nay có thể giảm xuống bao nhiêu %?
Ông Trương Gia Bình: FPT lên mục tiêu tăng trưởng 20% là thách thức. Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều chuyện, chúng tôi không có ý định tác động đến giá cổ phiếu. Chúng tôi sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và quan hệ cổ đông tốt nhất trên thị trường. Hy vọng hai yếu tố này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu của FPT.
Tại thời điểm hiện tại khó dự báo chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Các dự báo thị trường đều cho rằng đầu tư vào công nghệ sẽ tăng và không dừng, nhu cầu đầu tư càng ngày càng lớn. Chỉ có rủi ro là thời điểm nào thì các doanh nghiệp sẽ chọn để đầu tư công nghệ.
Trong suy thoái các doanh nghiệp lớn có thể giữ lại không đầu tư trong 1-2 quý. Tuy nhiên, đây chỉ là gián đoạn đầu tư tạm thời, vì đầu tư cho công nghệ nếu chậm chân sẽ bị bỏ lại.
Rủi ro tiếp theo là chiến tranh thương mại. Đây là vấn đề địa chính trị. Tuy nhiên, FPT đang nhìn ở góc có cơ hội nhiều hơn nguy. Vì Việt Nam thị phần chưa quá lớn và có cơ hội để mở rộng.
Câu chuyện năm nay phải ứng biến linh hoạt. Trong mọi hoàn cảnh phải “leng keng” và tối đa để tăng trưởng 20%. Việc “leng keng” không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay mà là tạo đà, động lực tăng trưởng mới cho những năm tiếp theo.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.