ĐHĐCĐ FPT Telecom: Trung tâm dữ liệu Quận 9 sẽ về đích sau 5 năm, không coi Starlink là đối thủ
Sáng 10/4, tại Hà Nội và TP HCM, CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã: FOX) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.

ĐHĐCĐ FPT Telecom sáng 10/4. (Ảnh: Đức Huy).
Ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Telecom, đánh giá năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Trong khi bối cảnh trong nước còn nhiều khó khăn.
Lãnh đạo FPT Telecom dự báo năm 2025 tiếp tục là năm khó khăn. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng trong những năm tới, FPT Telecom dự kiến ngân sách đầu tư năm 2025 là 3.840 tỷ đồng. Trong đó, chi 1.050 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm.
Các dự án này gồm trung tâm dữ liệu Quận 9 (500 tỷ đồng), FTEL Tân Thuận (100 tỷ đồng), trung tâm dữ liệu HN03 (70 tỷ đồng), hai tuyến cáp quang biển (380 tỷ đồng).
Thực tế, Trung tâm dữ liệu Quận 9 của FPT Telecom đã khởi công từ năm 2020. Thời điểm đó, đây là dự án trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam khi hiện diện trên khu đất diện tích 10.000 m2, cung cấp 3.600 racks - tủ chứa các thiết bị mạng.
Năm nay, doanh nghiệp cho biết sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án này để đưa vào đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo FPT Telecom nói rằng họ sẽ đầu tư dự án trung tâm dữ liệu HN03, tiếp tục tìm kiếm và lên phương án cho các dự án trung tâm dữ liệu khác để đảm bảo đủ cơ sở hạ tầng cho nhu cầu dữ liệu tăng nhanh tại Việt Nam.
Ngoài dự án đang được xây dựng tại Quận 9, FPT Telecom còn ba trung tâm dữ liệu đang vận hành: FPT Duy Tân và FPT Fornix (Hà Nội), FPT Tân Thuận (TP HCM). Tổng năng lực đáp ứng hiện tại là 8.000 m2 và 3.400 racks.
Bổ sung thêm, Tổng Giám đốc FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh khẳng định trung tâm dữ liệu Quận 9 “chắc chắn sẽ vận hành trong tháng 6” khi các công đoạn chuẩn bị cho kế hoạch khai thác đã hoàn tất. Ông dự báo giai đoạn 1 sẽ hết hàng trong 6 tháng và sẽ đưa vào xây dựng giai đoạn 2 của dự án này.
Giai đoạn 1, Trung tâm dữ liệu Quận 9 có công suất 2.6 MW. Công ty con của FPT dự báo doanh thu sẽ có ngay trong quý II và quý III năm nay. Ngoài ra, họ cũng đang hoàn thiện thiết kế cơ sở dự án HN03 trong một vài quý tới.
Trước câu hỏi của cổ đông về thông tin internet vệ tinh của Starlink - công ty do tỷ phú Elon Musk điều hành, vừa được cấp phép thử nghiệm tại Việt Nam, sẽ ảnh hưởng thế nào tới FPT Telecom, lãnh đạo doanh nghiệp nói “không coi là đối thủ cạnh tranh”.
“Chúng tôi đánh giá đây không hẳn là sự cạnh tranh mà còn là hợp tác. Hiện FPT Telecom chưa kinh doanh mảng internet vệ tinh. Do đó chúng tôi nhìn thấy cơ hội để hợp tác kinh doanh với nhau”, ông Hoàng Việt Anh, nói.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT, nói thêm rằng internet vệ tinh chỉ là một loại hình hạ tầng viễn thông. Loại hình này thuộc nền kinh tế không gian tầm thấp, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang triển khai đầu tư.
Ông Khoa dự báo kinh tế không gian tầm thấp sẽ phát triển trong 10-20 năm tới, thậm chí công nghệ 5G, 6G được nói nhiều hiện nay sẽ biến mất. Tổng Giám đốc FPT đưa ra dữ liệu Trung Quốc đã phóng khoảng 1.700 vệ tinh tầm thấp, dự kiến nền kinh tế không gian tầm thấp mang lại hơn 2.000 tỷ USD trong thập kỷ tới. Do đó, FPT đang tập trung nghiên cứu đề án này.
Đối với lĩnh vực kinh doanh trọng tâm là internet băng thông rộng, ông Nguyễn Hoàng Linh cung cấp thông tin họ đã có thêm gần 100.000 khách hàng mới trong năm ngoái - con số cao kể từ thời COVID-19. “So với thị trường, thị phần của chúng tôi còn khiêm tốn, đứng thứ ba. Mục tiêu trong ba năm tới là đứng số 1, gấp đôi số khách hàng hiện tại (khoảng 4 triệu khách hiện tại)”, ông Linh nói.
Theo Tổng Giám đốc FPT Telecom, sau gần 30 năm, vẫn có khoảng 400 huyện, xã tại Việt Nam họ chưa mở hạ tầng. Ông cũng thừa nhận thị trường internet băng thông rộng Việt Nam đã bão hoà, do đó phải dùng chất lượng để thu hút khách hàng.
Ngoài ra, chia sẻ tại cuộc họp thường niên, lãnh đạo FPT Telecom cho biết tỷ lệ doanh thu/thuê bao của họ đang gấp rưỡi thị trường do tập trung vào các thành phố lớn - nơi khách hàng có khả năng chi trả tốt.
Ông Linh cho biết gần một năm trở lại, doanh thu/thuê bao của FPT Telecom có xu hướng tăng lên, đặc biệt dịch vụ camera “có sức bán rất tốt”. Vị lãnh đạo cũng chia sẻ thêm rằng năm qua, các nhà mạng đầu tư vào chất lượng nên cuộc chiến giá đã hạ nhiệt.
Năm 2025, trước tác động thuế quan, ông Hoàng Linh nhận định hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp, trong đó mảng doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Ngoài ra, ông cũng lo ngại vấn đề tỷ giá.
Về vấn đề này, ông Hoàng Việt Anh chia sẻ thêm: “Ngay khi có thông tin về chiến tranh thương mại, tập đoàn FPT đã chỉ đạo xuống có bộ khung để hành động xử lý. Với FPT Telecom, câu chuyện tỷ giá đây là điểm mạnh của chúng tôi, trong lịch sử chúng tôi đã có sự chuẩn bị sớm.
Chúng tôi cũng đạt thoả thuận với nhà cung ứng để đảm bảo giá đầu vào không bị biến động mạnh. Tập đoàn chỉ đạo rõ, các chi phí không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh phải xem xét cắt giảm trong giai đoạn này”.
Năm 2025, FPT Telecom vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong đó, mục tiêu doanh thu 19.900 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024 (trong đó doanh thu từ dịch vụ viễn thông là 19.100 tỷ đồng, tăng 13% và doanh thu từ dịch vụ nội dung số là 800 tỷ đồng, tăng 13,6%). Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 4.200 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2024.

Hội đồng quản trì đề xuất mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 là 50% bằng tiền, tương đương 5.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, công ty đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 20%, dự kiến trả tiền vào 30/5. Đợt còn lại 30% sẽ được chi trả sau kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên.
HĐQT trình cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần năm 2024 (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 50%; đồng nghĩa cổ đông sở hữu 10 cổ phần hiện hữu được chia thêm 5 cổ phần mới.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ nguồn lợi nhuận để lại và quỹ đầu tư phát triển. Thời gian thực hiện trong năm 2025, HĐQT được ủy quyền triển khai chi tiết kế hoạch thưởng cổ phiếu này. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 493 tỷ lên 739 tỷ đồng.
Kết thúc ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của FPT Telecom, tất cả các tờ trình được thông qua.