ĐHĐCĐ PVTrans: Chia cổ tức 32%, chưa bị tác động bởi thuế quan, tìm kiếm cơ hội ở các mảng mới
Sáng ngày 15/4, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Khách sạn Lotte Sài Gòn và đồng kết hợp họp trực tuyến.
Năm nay, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 960 tỷ, lần lượt giảm 12% và giảm 35% so với kết quả kỷ lục năm ngoái. Công ty nhà nước này thường vượt kế hoạch đề ra.
PVTrans nhận định thị trường dầu mỏ giai đoạn 2025 trở về sau sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố, bao gồm sản lượng dầu gia tăng từ các nước ngoài OPEC+, nhu cầu tiêu thụ chậm lại, biến động địa chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Tổng giám đốc Nguyễn Duyên Hiếu cho biết định hướng sẽ giữ vững thị phần vận tải nội địa cho các nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn và các đơn vị thành viên khác trong tập đoàn; bám sát tình hình biến động của thị trường để mở rộng quy mô trên các tuyến vận chuyển quốc tế.
Trong trường hợp NMLD Dung Quất mua được tối đa dầu thô nội địa (40-42 triệu thùng) thì dầu nội địa sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 70-75%, còn lại nhập khẩu khoảng 25-30%; như vậy, PVTrans sẽ hưởng lợi từ việc tăng số lượt vận chuyển nội địa cho nhà máy. NMLD Nghi Sơn tiếp tục hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ các mặt hàng xăng dầu cho thị trường.

Chỉ tiêu kinh doanh của PVTrans. Nguồn: MH tổng hợp.
Chia cổ tức 32%
Công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ từ 3.560 tỷ đồng lên 4.699 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhằm bổ sung vốn phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Tỷ lệ thực hiện là 32% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 32 cổ phiếu mới). Số lượng phát hành tương ứng là hơn 113,9 triệu cổ phiếu mới, nguồn vốn từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến hết năm 2024.
PVTrans có kế hoạch chi 3.525 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư đội tàu trong năm nay, bao gồm đầu tư 1 tàu dầu sản phẩm MR (chủng loại tàu vận chuyển hóa chất) hoặc 1 tàu hàng rời; đầu tư 2 tàu dầu sản phẩm MR hoặc 1 tàu dầu thô Aframax; đầu tư 1 tàu size lớn LNG/VLGC hoặc từ 1 đến 3 tàu (tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, hoặc 1 tàu dầu thơ Aframax).
Doanh nghiệp dự kiến khoảng 64% nguồn vốn đến từ hoạt động đi vay (2.290 tỷ) và tự có khoảng 1.261 tỷ đồng.
Năm ngoái, tổng công ty đã đầu tư 8 tàu mới; bao gồm 2 tàu dầu sản phẩm, 4 tàu hàng rời, 1 tàu hoá chất và 1 tàu LPG với tổng mức đầu tư đạt 153 triệu USD. Ngược lại, tổng công ty hoàn thành việc nhượng bán 1 tàu hoá chất.

Lãnh đạo PVTrans trình bày báo cáo HĐQT tại đại hội. Ảnh: HL.
Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Anh cho biết công tác đầu tư rất quan trọng, đúng xu hướng và giá phù hợp thì vài năm sau có thể kiếm lời. Trường hợp đầu tư sai thì 5-10 năm sau vẫn chưa xử lý được, dù tiết giảm chi phí tốt mấy cũng không bù đắp được.
"Thời gian qua việc đầu tư các tàu đều tốt, có hiệu quả trong các năm đầu tiên. PVTrans đã tranh thủ đầu tư tàu từ thời điểm đáy của thị trường vận tải 2019-2020 đến nay", ông trình bày.
Nhờ kết quả đầu tư hiệu quả, tổng tài sản PVTrans tăng vọt từ khoảng 11.000 tỷ cuối 2021 đến nay đã gấp đôi gần 20.000 tỷ đồng. Đội tàu phát triển đến 58 chiếc với tổng trọng tải hơn 1,7 triệu DWT, có năng lực vận tải hàng đầu ở Việt Nam.
Đối với thuế đối ứng từ Mỹ, diễn biến này tác động lên nhiều ngành nghề và có thể gây khủng hoảng toàn cầu, hầu hết doanh nghiệp đều lo lắng suy nghĩ.
"Chúng tôi cũng có nghiên cứu, vừa cập nhật vừa điều chỉnh để có giải pháp phù hợp, kiên định với các mục tiêu đầu tư và kinh doanh, công tác kiểm soát rủi ro", ông Việt Anh chia sẻ.
Nhưng trong nguy có cơ, trong bối cảnh biến động vẫn tìm kiếm cơ hội kinh doanh. PetroVietnam sẽ hình thành các chuỗi giá trị để các doanh nghiệp thành viên tận dụng; chẳng hạn PVTrans sẽ tập trung vận chuyển than cho nhà máy Sông Hậu, dầu cho Nghi Sơn, hay phát triển mảng logistics về cảng cạn/cảng bên ngoài...
Phiên thảo luận
Dự kiến kết quả kinh doanh quý I của công ty?
Chủ tịch HĐQT: Chưa bị tác động bởi thuế quan và hoạt động vẫn ổn định. Doanh thu 2.800 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Lợi nhuận 370 tỷ đồng, xấp xỉ năm ngoái. Cơ bản các chỉ tiêu khác ổn định.
Đối với triển vọng quý II, việc hoãn thuế 90 ngày nên tác động kỳ vọng chưa lớn, công ty đang rà soát tất cả các hợp đồng và không có dấu hiệu giảm đột ngột.

Ban chủ tọa PVTrans tại đại hội. Ảnh: HL.
Nhận định về tác động của thuế đối ứng?
Chủ tịch HĐQT: Đây là câu chuyện tác động đến tất cả các ngành, chủ nghĩa toàn cầu hóa đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ, trong đó lĩnh vực logistics bị tác động đầu tiên và rất nhanh, ảnh hưởng bởi giao thương và các tuyến hàng hải, và thực chất đã bị tác động từ nhiều năm nay.
Câu chuyện thuế quan rất sốc, thậm chí có thể gây khủng hoảng toàn cầu.
Chúng tôi đã dự báo thị trường vận tải 2024-2025 sẽ suy giảm và PVTrans đã đánh giá được, chúng tôi cẩn trọng đầu tư và đánh giá cung cầu, về số lượng tàu đóng mới và phân khúc. Riêng về cung cầu thì lượng đóng tàu bùng nổ trở lại, đơn đặt hàng mới trên thế giới tương đương 15% công suất hiện tại.
Thuế quan là vấn đề tạm thời và sẽ quay lại ổn định, dài hạn vẫn là câu chuyện cung cầu và tăng trưởng toàn cầu.
Với tác động trước mắt, thị trường vận tải bản thân đã suy giảm 10-20% dù chưa có thuế quan. Dù vậy, mặt bằng giá cước hiện nay vẫn còn ở mức cao chứ chưa phải giảm quá mạnh; thị trường vận tải có suy giảm nhưng vẫn ở mức cao và hấp dẫn, chưa đến mức quá khó khăn.
Về dài hạn hơn, tất cả doanh nghiệp nói chung phải cập nhật và đề ra giải pháp đối phó, tích lũy nguồn lực và tiết giảm chi phí.
Khi thị trường tốt chúng tôi đã tăng khấu hao nhanh, còn khi thị trường xấu thì điều chỉnh khấu hao chậm lại để phù hợp hơn. Chúng tôi còn sử dụng cơ chế chi trước khoảng 300 tỷ đồng để dự phòng cho khó khăn sắp tới.
Công tác đầu tư đội tàu?
Chủ tịch HĐQT: Đội tàu hiện tại của PVTrans cũng lớn chứ không phải nhỏ. Định hướng sắp tới sẽ chuyển sang các tàu lớn hơn, hiện các công ty thành viên cũng đang đầu tư tàu quy mô lớn hơn.
Danh mục đầu tư công ty mẹ năm nay khá tham vọng với 3.500 tỷ đồng cho 3-6 tàu, các công ty thành viên khác thì tổng mức đầu tư đến 9.000 tỷ đồng. Cơ cấu đội tàu hiện đa dạng và phân tán.
HĐQT đã họp và tìm ra thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực. Đối với công ty mẹ thì ưu tiên đầu tư 1-2 tàu dầu thô trước. Công ty con thì ưu tiên đầu tư tàu gas, hóa chất, hàng rời…
Nếu không có bất ổn thì có thể có 7-8 tàu trong năm nay. Vội vàng đầu tư ở thời điểm này là nguy hiểm.
Giá mua tàu là quan trọng hơn, còn giá vận tải thì vẫn tốt.
Rủi ro khi giá dầu giảm?
Chủ tịch HĐQT: PVTrans chủ yếu vận tải cho Lọc hóa dầu Bình Sơn nên tác động lớn nhất là vấn đề hàng tồn kho, giá cước vận tải được tính toán theo giá dầu nên không bị rủi ro quá lớn. Đối với vận tải dầu quốc tế, công ty có nhiều biện pháp kiểm soát tối đa nhiên liệu.
Đánh giá triển vọng các mảng kinh doanh mới như LNG, logistics cảng cạn?
Chủ tịch HĐQT: LNG là xu hướng mới về năng lượng sạch thay thế trong nước. Theo quy hoạch điện VIII thì có thêm 5 kho LNG khác ngoài Thị Vải đang vận hành. Với xu thế hiện nay thì nhu cầu nhập khẩu LNG đến năm 2030 khoảng 15-20 triệu tấn/năm.
PVTrans rất quan tâm việc đầu tư mảng này và được PetroVietnam hỗ trợ.
Tuy nhiên, dù kho LNG đã vận hành rồi nhưng còn liên quan đến công suất ngành điện nên hiện tại nhập khẩu LNG chưa ổn định, còn bị phụ thuộc.
LNG là định hướng chiến lược của chúng tôi, tương lai có thể đầu tư nhưng hiện tại chỉ chạy cho thị trường quốc tế trước. Sau này thị trường LNG Việt Nam ổn định thì có thể đầu tư tàu chở LNG trong nước.
Phát triển logistics cũng rất được quan tâm, đang tiếp xúc với một số cổ đông và đối tác để đàm phán, dựa vào uy tín PetroVietnam cộng với các nguồn lực để M&A các đơn vị logistics cảng cạn.
Hiện PVTrans vẫn tập trung vào hàng lỏng, còn hàng container phải có chuỗi vận hành nên rất khó, công ty chưa tập trung vào vận chuyển bằng tàu container.