|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Vinatex: Thị trường dệt may trầm lắng sẽ kéo dài đến năm 2023

15:07 | 19/09/2022
Chia sẻ
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, do đồng VND có giá trị cao nên so với các đối thủ bị mất giá trị đồng tiền như Ấn Độ (8%) hay Trung Quốc (9%), hàng dệt may xuất khẩu của của Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh trong khi nhu cầu lại thấp. Chính vì vậy, 4 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 thị trường được dự báo khá trầm lắng.

Tăng trưởng cuối năm sẽ chậm lại

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ chậm lại do ảnh hưởng bởi lạm phát và nhu cầu giảm sút. 

 

Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

"Nếu 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất 3,7 - 3,8 tỷ USD/tháng thì dự kiến 4 tháng cuối năm tình hình thị trường chỉ có thể xuất 3,1 - 3,2 tỷ USD", ông Trường nhận định. 

Theo vị này do kinh tế vĩ mô Việt Nam rất ổn định nên đồng VND có giá trị cao nên so với các đối thủ bị mất giá trị đồng tiền như Ấn Độ (8%) hay Trung Quốc (9%), hàng dệt may xuất khẩu của của Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh trong khi nhu cầu lại thấp. Chính vì vậy, 4 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 thị trường được dự báo khá trầm lắng.

Đại diện Vinatex cho biết trong giai đoạn quý IV/2021 và 8 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may tăng trưởng mạnh. Theo đó, 8 tháng đầu năm ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái- mức tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. 

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp) 

Trong khi đó, nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu chỉ khoảng 13 tỷ USD. Như vậy, ngành dệt may tạo ra 18 tỷ USD thặng dư thương mại từ xuất khẩu. 

Bên cạnh việc tạo thặng dư trong xuất khẩu, ngành dệt may còn tạo ra động lực cho nhiều ngành khác nhau. Từ trước đến nay, dệt may đạt tỷ lệ nội địa hoá khoảng 50%. 8 tháng đầu năm nay Việt Nam đạt tốc độ nội địa hoá 59%, gần tiến tới mục tiêu của năm 2025 là 60%. 

Trong nhiều năm, tuy dệt may đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu trong các ngành nhưng thặng dư thương mại đứng thứ nhất.

Theo ông Trường, thành quả này là nhờ Việt Nam bắt nhịp được tổng cầu của thế giới bùng nổ sau đại dịch. Trong số các nước dệt may lớn trên thế giới như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam mở cửa kinh tế sau đại dịch sớm nhất và có chính sách kích thích nền kinh tế. 6 tháng đầu năm chúng ta tận dụng lợi thế rất tốt, đơn hàng dồi dào, kết quả kinh doanh tốt.

"Tuy nhiên, đến giờ phút này, những chính sách mà chúng ta đã thực hiện sớm thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng. Trong khi đó, thị trường thế giới lại diễn ra ở xu thế ngược lại, đột nhiên trở nên "lạnh" đi. Nhu cầu hàng dệt may của thế giới giảm mạnh do suy thoái, lạm phát cao, hàng hoá tồn kho tăng rất cao", ông Trường quan ngại.

Gỡ nút thắt về vốn và chính sách thuế

Trước triển vọng khó khăn từ nay đến cuối năm, với nguồn lực hạn chế, ông Trường kiến nghị cần ưu tiên cho những ngành xuất khẩu có thặng dư cao, sử dụng lao động nhiều và tỷ lệ nội địa lớn tức là khi ngành đó tăng trưởng thì cũng kéo ngành khác phục hồi theo.

Tuy nhiên, theo ông Trường vẫn còn tồn tại điểm nghẽn về chính sách thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu trong nước: "Hiện nay, nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu làm hàng gia công thì được miễn thuế còn dùng hàng trong nước vừa phải nộp VAT vừa nộp thuế nhập khẩu, bao giờ xuất khẩu thì mới được hoàn thuế. Doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 24% thuế.

Do đó, tôi kiến nghị nếu mua nguyên liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu thì hậu kiểm, không bắt buộc nộp trước VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường tỷ lệ nội địa hoá".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tín dụng. Những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tốt, doanh nghiệp được vay vốn để làm các đơn hàng. Nhưng 2 tháng vừa rồi chỉ tăng 0,6% tín dụng và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng khó khăn.

Do đó, xảy ra tình trạng doanh nghiệp có đơn hàng FOB (doanh nghiệp dệt may sẽ tự chủ từ mua nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng) đành phải chuyển sang làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu. Nhưng như vậy sẽ khiến một loạt doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước không có cơ hội có đơn hàng. 

"Đối với ngành hàng vẫn có đơn hàng, room tín dụng rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì bởi các nhãn hàng giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày như trước đây lên 120 - 150 ngày. Điều này khiến nhu cầu vốn lưu động tăng lên.  Với doanh nghiệp làm FOB thì nhu cầu vốn lưu động càng tăng hơn nữa nhưng room thì không có. Lúc này tỷ suất lợi nhuận kinh doanh thấp nên càng khó tiếp cận với ngân hàng", ông Trường nói. 

Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% không được áp dụng với các khoản vay ngoại tệ, trong khi một số doanh nghiệp lại cần ngoại tệ để nhập nguyên liệu.

"Hiện nay Vinatex vay 140 tỷ đồng nhưng dưới dạng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu như vậy không được giảm lãi suất. Chúng tôi kiến nghị xem xét nếu được thì có hỗ trợ lãi suất trong các khoản vay ngắn hạn dùng để mua nguyên liệu", ông Trường nói. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

H.Mĩ

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.