|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023

22:20 | 29/08/2022
Chia sẻ
Hiện nay do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng thời trang tồn kho của các hãng ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt. Dự báo thị trường ngành dệt may có thể khó khăn từ quý 4/2022 đến hết năm 2023.

Mới đây, tại hội thảo chuyên đề “Cập nhật tình hình kinh tế, thị trường dệt may và giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức”,  ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 26,9 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng thời trang tồn kho của các hãng ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt.

“Thị trường may có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023, tuy nhiên từ năm 2024 thị trường có thể quay lại đà tăng trưởng. Vì vậy các doanh nghiệp trong ngành cần đánh giá tổng thể thị trường, không chỉ có gam tối để có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp”, ông Vương Đức Anh nhận định.

Đồng quan điểm, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ khiến tăng trưởng giảm xuống 2,3% trong năm nay và 1% trong năm tới.

Việc tiếp tục đóng cửa do chính sách Zero - Covid của Trung Quốc và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng đã đẩy tăng trưởng xuống 3,3% trong năm nay, mức chậm nhất trong hơn bốn thập kỷ, không kể đại dịch.

Ngoài ra, khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng đã được điều chỉnh xuống 2,6% trong năm nay và 1,2% vào năm 2023, phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc chiến Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. 

Do đó, ông Trường cho rằng quý IV/2022 thị trường sẽ còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may.

Trong đó, ngành sợi đã có nhu cầu mua nhưng với mức giá không hiệu quả. Vì vậy cần phải tiếp tục coi thanh khoản ở tất cả các đơn vị là ưu tiên lớn nhất.

Với ngành may, các đơn vị may dệt kim sẽ gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp may mạnh khác. Ngoài ra, những doanh nghiệp may dệt kim có nhiều đơn hàng cần quan tâm hơn nữa đến các đơn vị làm vải để có thể tiếp cận được một số đơn hàng FOB có trên thị trường. Các đơn vị phải chuẩn bị từ xa để tránh tình trạng đứt thanh khoản.

Dệt may là một trong 4 ngành hàng chính được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm China Homelife Vietnam 2022. (Ảnh: Như Huỳnh)

Chia sẻ với người viết bên lề triển lãm China Homelife Vietnam 2022 diễn ra từ 29 - 31/8 tại TP HCM, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, do tình hình dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, đường cung ứng nguyên phụ liệu của thế giới có nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn cung ứng từ Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam. 

 “60% nguyên liệu dệt may trong nước nhập từ Trung Quốc, còn lại nhập từ các thị trường khác. Phần lớn giá cả từ Trung Quốc tương đối phù hợp vì họ sản xuất sản lượng lớn nên giá thành rẻ hơn, còn nếu mình đặt hàng ở nơi khác với sản lượng nhỏ thì giá sẽ cao hơn”, ông Hồng nói. 

Theo ông Hồng, trước khó khăn về nguyên liệu của ngành dệt may, doanh nghiệp đã tìm cách để vượt khó như tìm thị trường mới là Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ để bổ sung sự thiếu hụt.

Các doanh nghiệp trong nước kết nối với nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Ngoài ra có lúc doanh nghiệp chấp nhận mua nguyên liệu với giá cao để đảm bảo sản xuất liên tục, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Như Huỳnh