|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Từ cuối 2023, sản phẩm dệt may xuất khẩu sang EU sẽ phải có hộ chiếu số

10:10 | 11/08/2022
Chia sẻ
Dự kiến vào cuối năm 2023 Quy định thiết kế sinh thái cuối cùng sẽ được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua. Quy định này bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa và thành phần sợi.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Latvia, Đan Mạch (Bộ Công Thương) cho biết vào cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới của EU, trong đó có một bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái, nhằm đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau, bao gồm cả quần áo và giày dép.

Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, trong khi ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau. 

Tại EU, hàng năm có khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị loại bỏ, tương đương với 11kg/người. Do vậy, EU đã thay đổi cách tiếp cận đối với các thách thức về tính bền vững và bằng việc loại bỏ các luật mềm như hướng dẫn quốc tế để chuyển sang các luật cứng như quy định và chỉ thị có tính ràng buộc pháp lý.  

Chiến lược này bao gồm nhiều yếu tố để tạo ra động lực cho ngành dệt may, chẳng hạn, các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để chúng có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa và sau đó được tái sử dụng, nói cách khác, nằm trong một vòng tuần hoàn.

Bên cạnh đó, Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa, và thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng.

Một yếu tố nữa là tăng cường thực thi việc bài trừ các hành vi quảng cáo sai lệch về thời trang bền vững “greenwashing”. Đây là hành vi mà các thương hiệu thời trang hay sử dụng để tiếp thị sản phẩm là thời trang bền vững nhưng lại không thực thi các qui chuẩn nghiêm ngặt của thời trang bền vững.

Đề xuất cũng bao gồm các biện pháp chấm dứt việc tiêu hủy hàng tiêu dùng tồn đọng, cũng như mở rộng hoạt động mua sắm công xanh và cung cấp các ưu đãi cho các sản phẩm bền vững.

Quy định thiết kế sinh thái cuối cùng phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024. Trong năm nay, Ủy ban châu Âu sẽ thành lập diễn đàn các bên liên quan để thảo luận chi tiết về chiến lược. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường.

Người tiêu dùng được hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng cao với giá cả phải chăng, thời trang nhanh không còn là mốt, và các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng được phổ biến rộng rãi.

Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Hệ sinh thái hàng dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, được thúc đẩy bởi năng lực tái chế sợi thành sợi sáng tạo, trong khi việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu.

Dệt may, da giày Việt nam là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua, nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA. Do đó, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường.

"Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam cần nghiên cứu và đổi mới theo các xu thế và quy định trên", bà Nguyễn Hoàng Thúy nhấn mạnh.

Như Huỳnh