|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp dệt may hụt hơi trước áp lực đơn hàng giảm, giá nguyên liệu cao

08:32 | 26/08/2022
Chia sẻ
Nửa cuối năm 2022, doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm đơn hàng ở Mỹ và giá nguyên liệu vẫn ở mức cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan xuất khẩu dệt may trong tháng 7 lập đỉnh và là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD. Tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 22,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. 

 (Nguồn: VDSC)

Tuy nhiên trong báo cáo ngành dệt may, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết nhu cầu hàng may mặc bắt đầu đối mặt với nhu cầu giảm, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Nguyên nhân là 6 tháng đầu năm, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ đã tăng 24% về lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi, nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ suy yếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đang chậm lại.

Từ mức gần 10% vào đầu năm, mức tăng hàng tháng của nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ giảm xuống chỉ còn 2,6% về giá trị và gần như bằng 0% về số lượng vào tháng 6.

VDSC cho rằng nhiều công ty thời trang của Mỹ sẽ thận trọng hơn trong việc đặt các đơn đặt hàng tìm nguồn cung ứng mới vào nửa cuối năm 2022 để kiểm soát hàng tồn kho và ngăn chặn tình trạng dư thừa, vì tương lai trung hạn của nền kinh tế Mỹ vẫn vô cùng khó đoán.

 (Nguồn: VDSC) 

Cũng theo Tập đoàn dệt may (Vinatex), nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của thị trường Mỹ có khả năng giảm 7-10% trong nửa cuối năm 2022.

VDSC nhận định sự sụt giảm đơn đặt hàng sẽ dần rõ ràng vào năm 2023, gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, tác động kép của sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau COVID và chiến tranh Nga-Ukraine, giá sợi và bông nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đã tăng trung bình 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong ngành.

Vấn đề này chỉ được giải quyết khi Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế do hầu hết nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước này. Hiện, Trung Quốc cũng đang cho thấy một số dấu hiệu tích cực trong việc nới lỏng biên giới trong nửa cuối năm nay.

Điều này sẽ giúp giảm dần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và giúp tỷ suất lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2022.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi về mức bình thường vào năm 2023 do có độ trễ trong việc phục hồi nguồn cung và giá nguyên liệu.

Hoàng Anh