|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may nửa cuối năm có thể giảm tốc, nguyên nhân đến từ Trung Quốc và Mỹ

15:02 | 22/08/2022
Chia sẻ
Nửa sau năm 2022, xuất khẩu dệt may có thể giảm tốc vì giá sợi ở thị trường Trung Quốc lao dốc, nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ chững lại, lượng tồn kho ở mức cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan xuất khẩu dệt may trong tháng 7 lập đỉnh và là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD. Tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 22,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, CTCK BIDV (BSC) cho rằng nửa sau năm 2022, xuất khẩu dệt may sẽ đối mặt với nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại so với 6 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, đối với mảng sợi, doanh nghiệp có thể sẽ loay hoay trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng khi giá sợi Trung Quốc, thị trường xuất khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam lao dốc từ tháng 5, giảm 23% so với mức đỉnh và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.

 (Nguồn: BSC)

Còn với mảng dệt may, BSC cho rằng thị trường Mỹ với mức hàng tồn kho đang cao và suy thoái kỹ thuật gây áp lực đối với đơn hàng trong 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, các nhà máy có khách hàng là Walmart, Target sẽ bị giảm thiểu đơn hàng khi các nhà bán lẻ đang tích cực xử lý tồn kho.

 (Nguồn: BSC) 

Thực tế, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero COVID sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nguồn nguyên vật liệu cho ngành dệt may khi hơn 60% nguyên liệu đầu vào đến từ thị trường này.

Tuy nhiên, rủi ro này đã giảm đáng kể khi trong quý II, các doanh nghiệp dệt may vẫn đảm bảo đủ nguyên liệu cho đơn hàng. Ngoài ra, giá bông giảm mạnh cũng góp phần hạ nhiệt việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng so với nửa đầu năm 2022.

 

Hoàng Anh