|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2022 nhưng doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nguy cơ thiếu đơn hàng

20:30 | 07/09/2022
Chia sẻ
Mặc dù tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay nhưng ngành dệt may đang đối mặt với rủi ro lạm phát tăng cao khiến nhu cầu chững lại. Điều này khiến lượng đơn hàng từ các thị trường truyền thống suy giảm.

Tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu dồn nén sau đại dịch

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may và xơ sợi trong 8 tháng đầu năm gần 30 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Đây là được xem là kết quả tích cực nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến nhu cầu hàng hoá bị giảm sút.

Trong những tháng đầu năm 2022, ngành dệt may được hưởng lợi từ các đơn hàng dồn dập từ cuối năm 2021 chuyển sang. Bên cạnh đó, nhu cầu dồn nén sau đại dịch ở các nước phát triển và sự phục hồi sản xuất trong nước càng thúc đẩy đơn hàng.

Ngoài ra, Bangladesh - quốc gia sản xuất hàng dệt, may gia công lớn nhất thế giới, đang phải đối diện tình trạng thiếu điện khi có thời điểm phải cắt điện 12h/ngày. Nhiều nhà máy dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề và điều này giúp Việt Nam cũng được hưởng lợi. 

Do đó, nhiều doanh nghiệp dệt may có kết quả kinh doanh tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Theo đó, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt 3.242 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021 và thực hiện được 54% kế hoạch năm.  Lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cho biết thị trường bắt đầu phục hồi sau dịch COVID-19, TNG nhận thêm nhiều đơn hàng đến từ các đối tác truyền thống và các đối tác mới. Bên cạnh đó, TNG tăng cường vào các đơn hàng FOB có tỷ lệ lợi nhuận gộp cao. 

Hiện cơ cấu doanh thu hàng FOB chiếm 85% trong tổng doanh thu bán niên năm 2022.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) ghi nhận doanh thu tăng 36% lên 9.629 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 898 tỷ đồng tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2022, Vinatex đặt kế hoạch đạt doanh thu 18.067 tỷ đồng doanh thu và 951 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 6,4% và 10,2% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, nửa đầu năm tập đoàn đã thực hiện được 53,6% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Trong khi đó, một số công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí tăng cao, đặc biệt là giá sợi. 

 Nguồn: BCTC sau kiểm toán của các công ty (H.Mĩ tổng hợp)

Điển hình như CTCP Dệt may Thành Công (Mã: TCM) ghi nhận lãi sau thuế 121,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo SSI Research, May Thành Công phải đối mặt với áp lực chi phí gia tăng do chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng khiến biên lợi nhuận giảm. 

Nhà máy Vĩnh Long mới bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4, tuy nhiên hiện tại chỉ có 5 dây chuyền sản xuất (trong tổng số trên 29 dây chuyền) đang hoạt động do nhà máy đang gặp khó khăn trong việc thu hút lao động do cạnh tranh về lương.

May Việt Tiến (Mã: VGG) ghi nhận lãi sau thuế tăng nhẹ 8% lên 77,8 tỷ đồng. 

Trong khi đó, lợi nhuận của May Sông Hồng giảm tới 21% xuống 169 tỷ đồng. Theo SSI Research, giá sợi nhập khẩu bình quân trong tháng 5 tăng 10% so với cùng kỳ do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao. 

Theo Sunsirs, giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc đều tăng từ 10% -18% so với cùng kỳ trong tháng 5. 

Giá bông chịu áp lực từ xung đột giữa Nga và Ukraine, quan ngại về việc chuỗi cung ứng có thể đứt gãy từ tình hình căng thẳng cùng các lệnh trừng phạt đã làm giá cả tăng lên. Giá sợi cũng tăng rất cao do nguồn cung dầu khan hiếm và giá dầu tăng cao.

Bên cạnh đó, tắc nghẽn cảng và ứ đọng hàng hóa do chính sách “Zero Covid” ở Trung Quốc cũng khiến chi phí nguyên liệu và chi phí vận chuyển nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên. 

Điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước - đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB như May Sông Hồng hay May Thành Công. 

Ngoài ra, công suất hoạt động từ nhà máy mới SH10 còn ở mức thấp cùng mức lương công nhân cao cũng là nguyên nhân khiến biên gộp giảm đáng kể.

Nhu cầu dần hạ nhiệt vào cuối năm

Mặc dù tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay nhưng ngành dệt may được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu các thị trường truyền thống chững lại.  Một số doanh nghiệp tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng những tháng cuối năm.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng thời trang tồn kho của các hãng ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt.  

“Thị trường may có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023, tuy nhiên từ năm 2024 thị trường có thể quay lại đà tăng trưởng. Vì vậy các doanh nghiệp trong ngành cần đánh giá tổng thể thị trường, không chỉ có gam tối để có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp”, ông Vương Đức Anh nhận định.

 Nguồn: VDSC

Hiện một số doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng.  Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngay từ quý III, rất nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng và phải chuyển sang sản xuất một số mặt hàng khác.

“Ví dụ trước đây sản xuất hàng thun có thể chuyển sản xuất hàng quần, đồ trẻ em. Các doanh nghiệp vẫn có công ăn việc làm nhưng mục tiêu không đạt như kế hoạch đề ra”, ông Giang cho biết.

Tại “Talkshow chọn danh mục – kỳ 8: Dấu hỏi lạm phát”, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT dệt may TNG nhận định từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa doanh nghiệp lớn, uy tín và doanh nghiệp vừa nhỏ. Việc Mỹ và EU tăng lãi suất, sức mua thị trường giảm, đơn hàng từ các thị trường này sẽ giảm theo nhưng không đồng đều giữa các doanh nghiệp.

"Khi lượng đơn hàng giảm sẽ tập trung vào những doanh nghiệp lớn, uy tín. Bản thân TNG đang ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia, tình hình đơn hàng vẫn ổn định. Với thị trường Nga, giá trị đơn hàng năm 2021 của Dệt may TNG khoảng 10 triệu USD, năm 2022 dự kiến 20 triệu USD.

VDSC dự báo nhiều hãng hàng thời trang Mỹ sẽ thận trọng hơn trong việc đặt các đơn hàng mới vào quý II/2022 để kiểm soát hàng tồn kho và ngăn chặn tình trạng dư thừa trước tương lai khó lường của nền kinh tế Mỹ trong trung hạn.

“Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm đơn hàng sẽ rõ ràng hơn trong năm 2023, gây áp lực lên tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam”, VDSC nhận định.

H.Mĩ