Ba mốc tiến độ để khởi công đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào cuối năm 2026
Liên quan đến việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về khởi công dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam năm 2026, Bộ Xây dựng mới đây đã có Công văn số 1768 gửi Thủ tướng, theo Báo Đầu tư.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết đã lập tiến độ thực hiện với ba mốc chính. Trong đó, mốc thứ nhất là hoàn thành công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong tháng 8/2026.
Thứ hai, hoàn thành công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước và trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào tháng 9/2026.
Thứ ba, hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình trong giai đoạn từ tháng 10 - 12/2026.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, đơn vị được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cho rằng đây chính là ba đường găng tiến độ cần phải đạt được để có thể khởi công như yêu cầu của Thủ tướng.
Trước đó, tại Thông báo số 125 ngày 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026.
Để đạt được tiến độ sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu này, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 4 năm nay, Bộ Xây dựng phải trình Chính phủ bổ sung cơ chế chỉ định thầu cho dự án để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong kỳ họp tháng 5.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Bộ Tư pháp cần sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự, thủ tục rút gọn theo chỉ đạo; đồng thời các bộ, ngành kịp thời có ý kiến sau khi Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự thảo Nghị định để ban hành trong tháng 4.

Bộ Xây dựng lên kế hoạch với ba mốc chính để khởi công tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào cuối năm 2026. (Ảnh minh hoạ).
Tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 172 được gửi kèm Công văn số 1768, Bộ Xây dựng cũng đã xác định rõ các nhiệm vụ và mốc tiến độ kèm theo cho từng bộ, ngành và địa phương liên quan.
Theo đó, trước ngày 30/4, Bộ Xây dựng sẽ phải hoàn thành, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về nội dung, yêu cầu về khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật tổng thể; hướng dẫn về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên tham gia thực hiện hợp đồng theo hình thức hợp đồng EPC (chủ đầu tư, nhà thầu/tổng thầu EPC, tư vấn giám sát…); quy định chi tiết, hướng dẫn về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt cao tốc.
Bộ Xây dựng cũng sẽ đảm nhận xây dựng dự thảo Nghị định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành trước ngày 30/6.
Đặc biệt, về trách nhiệm chủ trì xây dự Đề án phát triển nguồn nhân lực, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường sắt tốc độ cao, trình Thủ tướng phê duyệt.
Liên quan đến nhiệm vụ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại các ga đường sắt, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao các địa phương rà soát quy hoạch ga đường sắt để triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD, hoàn thành trong tháng 12.
Các địa phương phải bố trí vốn ngân sách địa phương để bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quỹ đất để phát triển đô thị, thực hiện từ năm 2027 - 2032.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội khoá XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án là đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hoá, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hoá khi cần thiết.
Dự án dự kiến đi qua 20 tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 1,71 triệu tỷ đồng, tương ứng khoảng 67,34 tỷ USD, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.