Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Tình trạng thiếu hụt đơn hàng có thể kéo dài đến quý I/2023
Chia sẻ tại buổi họp báo sáng ngày 18/11, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang cho biết ngành dệt may đang chịu áp lực lớn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp hiện đang thiếu đơn hàng cho tháng 11 và 12 và dự kiến tình trạng này kéo dài đến quý I của năm sau với mức giảm bình quân 25 - 27%.
Năm nay ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 42 - 43 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2021. Đối với mục tiêu năm 2023, hiệp hội kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 45 - 47 tỷ đồng, tuỳ diễn biến tình hình tháng 11,12/2022.
Ông Giang cho rằng : "Quý III và quý IV/2023 ngành dệt may sẽ phục hồi trở lại cũng với tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tuỳ vào thông tin giảm hàng tồn của các nước có sức mua lớn mà có những điều chỉnh cụ thể. Hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố bất định như đồng tiền Euro, Yên Nhật mất giá trong khi đồng USD tăng giá nên việc xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng ngành dệt may áp lực".
Những doanh nghiệp làm gia công chịu áp lực về khách hàng và đơn hàng lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp FOB và OEM (xưởng may sẽ mua vật liệu theo yêu cầu của khách hàng sau đó may sản phẩm, gắn mác để quảng bá được hình ảnh, cũng như thương hiệu của người đặt may).
Tuy nhiên, đổi lại những doanh nghiệp làm FOB, OEM chịu áp lực về lãi suất ngân hàng tăng không có tiền mua nguyên phụ liệu, biến động tỷ giá đồng VND tăng so với ngoại tệ. Những đơn vị gia công lại không phải bỏ tiền mua nguyên phụ liệu thì không ảnh hưởng.
Ngoài ra, ông Giang cũng nói thêm về những chuyển dịch về sản phẩm dệt may trong bối cảnh thị trường khó khăn. Những công ty nào làm mặt hàng rẻ trước đây thì hầu như từ quý II đến giờ nay việc thiếu hụt đơn hàng vẫn rất cao. Những đơn nào làm mặt hàng khó, thì đơn vị đó vẫn trụ được tuy rằng không được 100% như trước đây nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định.
“Thời điểm năm 2021, tiêu thụ mặt hàng veston suy giảm tới 60%, điều mà không ai có thể ngờ tới. Nhưng đến năm 2022, mặt hàng này tăng trưởng tới 97% vì thế giới mở cửa trở lại nhu cầu veston cho công sở, hội họp phục hồi mạnh. Hay với sản phẩm đầm nữ cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, với mặt hàng denim và jean thì giảm sâu”, ông Giang nói.
Ngoài ra, ngành dệt may đang đối mặt với sức ép duy trì lao động trong khi đây là tài sản quan trọng số 1, trên cả công nghệ, thiết bị nhà xường.
"Có công ty đang sản xuất may mặc thì họ làm túi xách để có công việc cho người lao động mặc dù năng suất rất thấp nhưng họ có thể giữ được tài sản là con người".
Giai đoạn 6 tháng cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu...
Việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID-19 và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài hơn so với Việt Nam khiến hoạt động nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp khó khăn.
"Có những doanh nghiệp đã đặt hàng nhưng phía Trung Quốc báo tháng 3 mới có thể giao", ông Giang nói.