Tổng thống Biden: Mỹ chưa chắc liệu Nga đã rút quân, nguy cơ chiến tranh vẫn rình rập
Mỹ chưa chắc Nga thoái lui
Chia sẻ trước truyền thông, Tổng thống Joe Biden tin rằng Nga vẫn có thể động binh với nước láng giềng Ukraine vì quân đội của người đồng cấp Vladimir Putin là "một mối đe dọa". Ngoài ra, ông Biden cho biết Mỹ chưa thể xác minh liệu Nga đã rút một phần binh lính như tuyên bố.
Ông Putin đã nhiều lần phủ nhận ý định xâm lược Ukraine, dù Moscow đã điều động hàng chục nghìn quân nhân cũng như xe tăng, pháo binh và các vũ khí khác đến biên giới với Ukraine. Ông Biden cho biết Nga hiện có khoảng 150.000 quân dọc biên giới với nước láng giềng.
Chiều ngày 15/2 (theo giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Nga thông báo Moscow đã rút một phần binh sĩ sau khi các đơn vị này hoàn thành tập trận. Động thái mới đã làm dịu bớt căng thẳng trên thị trường tài chính thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự hoài nghi rằng liệu bước đi của Điện Kremlin có báo hiệu một sự "lui quân" mạnh mẽ hay không vì các đơn vị nêu trên được bố trí rất xa biên giới Ukraine, theo Bloomberg.
"Nếu Nga rút quân, đúng là rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể xác minh điều này", ông Biden cho hay. "Các nhà phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng quân đội Nga vẫn đang trong thế đe dọa Ukraine. Họ vẫn có thể tấn công Ukraine".
Trước đó, các quan chức Mỹ và châu Âu đã bày tỏ sự hoài nghi trước động thái thu quân của Moscow. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định không có dấu hiệu nào chứng tỏ Nga đã "xuống thang" căng thẳng.
Cùng ngày 15/2, Bộ Quốc phòng và hai ngân hàng nhà nước tại Ukraine thông báo họ đã bị tấn công mạng. Hiện chưa có thủ phạm nào được nêu tên nhưng suy đoán chủ yếu tập trung vào Nga.
Cửa sổ ngoại giao
Đầu ngày 15/2, ông chủ Điện Kremlin hy vọng có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao để giảm bớt căng thẳng với Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo Moscow sẽ không chờ đợi mãi cho đến khi phương Tây giải quyết các yêu cầu của Nga.
Hiện tại, Nga muốn NATO phải đảm bảo không bao giờ được cho phép Ukraine làm thành viên, đồng thời quân đội của các nước NATO phải rút lui khỏi khu vực Đông Âu. Nga coi các yêu cầu này là lo ngại an ninh căn bản.
Tổng thống Biden nhất trí với Điện Kremlin rằng các bên vẫn có thể nỗ lực giải quyết xung đột bằng phương thức ngoại giao. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ sẽ "không hy sinh các nguyên tắc cơ bản" hiện nay, bao gồm việc các quốc gia như Ukraine có quyền tự bảo vệ biên giới của riêng họ.
"Chúng ta nên cho các nước cơ hội đàm phán ngoại giao và tôi tin rằng chúng ta có thể thực sự giải quyết những lo ngại về an ninh của mỗi nước", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 15/2.
"Đôi lời nhắn gửi công dân Nga: Các bạn không phải kẻ thù của chúng tôi. Và tôi tin rằng các bạn không muốn một cuộc chiến tranh hủy diệt, đẫm máu với Ukraine", Tổng thống Mỹ tiếp tục.
Ông Biden đã nhắc lại các cam kết của Mỹ với NATO và tìm cách thể hiện sự đoàn kết của phương Tây trước bất kỳ hành động tấn công nào của Nga đối với Ukraine. "Mỹ sẽ bảo vệ từng tất đất của NATO với toàn bộ sức mạnh của mình", ông Biden nhấn mạnh.
Ông chủ Nhà Trắng nói Mỹ đã sẵn sàng đáp trả Nga với các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề, nhưng ông vẫn cảnh báo rằng người dân Mỹ có thể phải trả giá nhiên liệu cao hơn trong trường hợp đó.
"Người dân Mỹ hiểu rằng bảo vệ nền dân chủ và tự do luôn có cái giá riêng. Rõ ràng, cuộc đối đầu với Nga sẽ gây tổn hại lớn", ông Biden lưu ý thêm.
Vị tổng thống Đảng Dân chủ cho biết chính quyền của ông đang làm việc cùng các công ty năng lượng và Quốc hội để giải quyết các vấn về nguồn cung xăng dầu. Song, ông không nêu rõ bất kỳ động thái sắp tới nào của Washington.