|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Toàn cầu hóa thị trường tài chính (Globalization of financial markets) là gì? Các tác động

09:05 | 28/08/2019
Chia sẻ
Toàn cầu hóa thị trường tài chính (tiếng Anh: Globalization of financial markets) trên thế giới có tác dụng to lớn đối với việc cung cấp vốn lẫn nhau giữa các quốc gia.
world-network-1_1_0

Hình minh họa (Nguồn: siriusgroup.org)

Toàn cầu hóa thị trường tài chính (Globalization of financial markets)

Khái niệm

Toàn cầu hóa thị trường tài chính trong tiếng Anh là Globalization of financial markets.

Toàn cầu hóa là quá trình hội nhập ngày càng tăng của nền kinh tế trên thế giới thông qua sử chuyển dịch hàng hóa, dịch vụ và vốn xuyên biên giới. Toàn cầu hóa bao gồm cả sự chuyển dịch của con người (lao động), kiến thức (công nghệ), văn hóa, chính trị và kích thước môi trường. Toàn cầu hóa là kết quả của sự sáng tạo của con người và tiến bộ công nghệ.

Toàn cầu hóa thị trường tài chính là quá trình chuyển dịch đến một thị trường tài chính thống nhất, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau trên toàn thế giới. Đó là sự ảnh hưởng, tác động, xâm nhập lẫn nhau xuyên biên giới trong lĩnh vực thị trường tài chính.

Đặc trưng

- Toàn cầu hóa thị trường tài chính có xu hướng phát triển mạnh thị trường trái phiếu hơn cổ phiếu. Bắt đầu từ năm 1984, nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là Mỹ, cổ phiếu không còn là nguồn tài chính quan trọng cho doanh nghiệp. Trái phiếu trở thành nguồn tài chính quan trọng gấp nhiều lần (29,8% trái phiếu so với 2,1% cổ phiếu) (Mishkin, 2001).

- Tài chính gián tiếp ngày càng trở nên quan trọng gấp nhiều lần so với tài chính trực tiếp, đặc biệt là vai trò của các ngân hàng. Ở Mỹ, ngày từ những năm 80, các khoản vốn tài trợ từ ngân hàng cho các công ty gấp hớn 25 lần so với thị trường cổ phiếu.

- Tự do hóa tài chính gắn liền với quá trình toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ và trở thành xu thế tất yếu. Quá trình này diễn ra theo các cấp độ khác nhau ở các quốc gia khác nhau tùy theo mức độ phát triển, hoàn cảnh lịch sử của nền kinh tế cũng như khả năng quản lí của các cơ quan chức năng.

- Ngày càng phát triển mạnh mẽ các công cụ tài chính tinh vi phức tạp như: các công cụ phái sinh, trái phiếu cơ cấu, chứng khoán hóa... Đặc biệt khuynh hướng sử dụng các công cụ phái sinh ngày càng tăng. Thị trường các công cụ phái sinh đã phát triển nhanh hơn bất kì thị trường nào trong những thập niên gần đây. Trong đó, các công cụ phái sinh tín dụng trở thành tâm điểm của các công tụ tài chính mới.

- Các giao dịch điện tử ngày càng trở nên cần thiết và phát triển: văn bản mềm, thư điện tử, chat điện tử, mạng nội bộ internet, phân phối sản phẩm bằng điện tử, giao dịch theo thuật toán, các hệ thống phần mềm kết nối toàn cầu.

- Sự khác biệt trong chi phí sử dụng vốn giữa các quốc gia đang dần biến mất. Mặc dù các chính sách quản lí và điều kiện thị trường có thể ảnh hưởng đến chi phí sử dụng vốn trong một quốc gia, nhưng nó chủ yếu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ không có đường vào thị trường tài chính toàn cầu. (Brigham & Houston)

Tác động

Tác động tích cực

Việc toàn cầu hóa thị trường tài chính trên thế giới có tác dụng to lớn đối với việc cung cấp vốn lẫn nhau giữa các quốc gia, tài trợ dễ dàng hơn cho sự thâm hụt vốn của các chính phủ, giúp cho nền kinh tế các quốc gia được tăng trưởng nhanh hơn. Đối với các nhà đầu tư, toàn cầu hóa thị trường tài chính tạo nhiều cơ hội đầu tư ra thị trường quốc tế, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro và gia tăng tỉ suất lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống công nghệ thông tin, các giao dịch được kết nối liên tục, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi; các nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí giao dịch tài chính; có khả năng thu thập và xử lí thông tin kịp thời; có nhiều công cụ tài chính để lựa chọn.

Tác động tiêu cực

Toàn cầu hóa đã biến thế giới trở thành một mái nhà chung, nơi mà các nguy cơ và sự mất cân bằng có khả năng lan truyền tới mọi ngóc ngách. Các quốc gia bị bao vây và thách thức bởi các tác nhân kinh tế từ bên ngoài. Một lượng lớn vốn di chuyển nhanh chóng trên khắp thế giới theo sự thay đổi của lãi suất và tỉ giá hối đoái. Do đó các dòng tài chính có đặc điểm là dễ biến động, độ rủi ro cao.

Những sự dịch chuyển này có thể dẫn tới sự thâu tóm quyền lực vào tay các nhà tư bản lớn, sự phục thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Thậm chí có thể làm sụp đổ các định chế tài chính và các nền kinh tế địa phương, đưa nền kinh tế vào các cú sốc từ nhiều nguồn mới và khó có thể dự kiến được.

Do đó, trong điều kiện toàn cầu hóa thị trường tài chính, đòi hỏi các ngân hàng trung ương cần phải phát triển những phương pháp mới nhằm đánh giá và hạn chế rủi ro của hệ thống tài chính. (Brigham & Houston, 2009)

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

T.H

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...