Tổ hợp tác (Cooperative Groups) là gì? Tổ chức và quản lí tổ hợp tác
Tổ hợp tác (Cooperative Groups)
Tổ hợp tác trong tiếng Anh là Cooperative Groups.
Theo qui định tại điều 111 của Bộ luật Dân sự 2005:
Tổ hợp tác được thành lập trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự.
Tổ hợp tác được tổ chức và hoạt động theo nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ. Theo những qui định trên, cơ sở pháp lí để thành lập tổ hợp tác là hợp đồng hợp tác được kí kết giữa ít nhất ba người có đủ năng lực hành vi dân sự.
Nội dung hợp đồng này là những cam kết giữa các thành viên cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện mong muốn hợp tác hoạt động kinh doanh một hoặc một số ngành nghề và đồng thời cùng nhau hưởng lợi và chịu trách nhiệm về những hoạt động của tổ hợp tác.
Hợp đồng thành lập tổ hợp tác phải có các nội dung cơ bản sau:
- Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác.
- Họ tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên.
- Mức đóng góp tài sản, phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên.
- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên.
- Điều kiện gia nhập và ra khỏi tổ hợp tác.
- Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác.
Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của tổ, nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản riêng của mình. Như vậy, tổ hợp tác là loại chủ thể kinh doanh theo qui chế chịu trách nhiệm vô hạn.
Tổ chức và quản lí tổ hợp tác
Trong hợp đồng hợp tác, các tổ viên thỏa thuận bầu ra một người làm tổ trưởng đại diện cho tổ hợp tác tham gia vào các giao dịch. Tổ trưởng điều hành hợp đồng của tổ hợp tác. Khi vắng mặt, để đảm bảo hoạt động của tổ được tiến hành bình thường, tổ trưởng tổ hợp tác có thể ủy nhiệm cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cho tổ.
Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự với các quan hệ bên ngoài bằng toàn bộ tài sản của tổ, nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên chịu phần liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản của riêng mình.
Tổ viên có quyền quản lí và sử dụng tài sản của tổ hợp tác theo phương thức thảo thuận, quyền tham gia vào các cuộc họp và biểu quyết để quyết định những vấn đề của tổ. Khi tham gia biểu biết, ý kiến của các tổ viên có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào vị trí và góp vốn.
Các tổ viên tổ hợp tác phải làm việc cho tổ. Tuy nhiên tổ hợp tác có thể thuê thêm lao động bên ngoài. Trong trường hợp này, tổ hợp tác phải giao kết hợp đồng với người không phải là tổ viên để thực hiện những công việc nhất định và đảm bảo chế độ cho người lao động theo pháp luật lao động.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB ĐH Kinh tế Quốc dân)