Tổ chức công và tổ chức tư (Public and private organizations) là gì? Đặc trưng
Hình minh hoạ (Nguồn: supplysideliberal)
Tổ chức công và tổ chức tư
Khái niệm
Tổ chức công và tổ chức tư trong tiếng Anh được gọi là Public and private organizations.
Theo những cách tiếp cận khác nhau, khái niệm về tổ chức công và tổ chức tư rất đa dạng.
- Theo chế độ sở hữu
Tổ chức công là tổ chức thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hoặc không có chủ sở hữu. Đó chính là các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các trường học và bệnh viện công, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nghề nghiệp...
Tổ chức tư là tổ chức thuộc sở hữu tư nhân (của một hay một nhóm người). Đó có thể là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, trang trại, hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân, trường học tư, bệnh viện tư...
- Theo sản phẩm, dịch vụ mà tổ chức tạo ra
Tổ chức công là tổ chức tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công - những sản phẩm, dịch vụ mà người sử dụng không phải cạnh tranh và loại trừ nhau để có quyền sử dụng.
Tổ chức tư là tổ chức tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tư.
- Theo chế độ sở hữu và mục tiêu cơ bản
Tổ chức tư là tổ chức thuộc sở hữu và được kiểm soát bởi tư nhân, hoạt động vì mục tiêu cơ bản là tìm kiếm lợi nhuận.
Đó có thể là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trang trại, hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân.
Tổ chức công là tổ chức thuộc sở hữu nhà nước, không có chủ sở hữu hoặc sở hữu tư nhân; hoạt động với mục tiêu chính không phải vì lợi nhuận mà hướng tới phục vụ lợi ích của cộng đồng, của xã hội (lợi ích công cộng).
Các tổ chức công có thành phần hết sức đa dạng, hợp thành hai nhóm: các tổ chức nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận.
+ Tổ chức nhà nước là tổ chức thuộc sở hữu và được kiểm soát bởi nhân dân mà đại diện là Nhà nước.
Đó là các cơ quan quản lí nhà nước và các công ty nhà nước - các tổ chức được tạo nên để phục vụ lợi ích công cộng, tài trợ toàn bộ hoặc một phần bởi Nhà nước, tồn tại độc lập hoặc là một phần của cơ quan nhà nước, mang bản chất kinh doanh.
Ví dụ về công ty nhà nước có thể là doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức sự nghiệp như trường học, bệnh viện công, các văn phòng cung cấp dịch vụ công thuộc các Uỷ ban nhân dân...
+ Tổ chức phi lợi nhuận là tổ chức không có chủ sở hữu hoặc sở hữu tư nhân; hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, từ thiện hoặc các mục đích phục vụ cộng đồng; không mang mục tiêu chính là lợi nhuận; và sử dụng lợi nhuận thu được chủ yếu để duy trì, cải thiện và mở rộng hoạt động của tổ chức.
Doanh mục các tổ chức phi lợi nhuận thật vô cùng đa dạng. Đó có thể là các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nghề nghiệp, các tổ chức từ thiện, các tổ chức tôn giáo, các trường học, bệnh viện tư...
Ngày nay, các tổ chức phi lợi nhuận nhưng lại phi chính phủ đang phát triển hết sức mạnh mẽ tạo nên khu vực thứ ba (khu vực xã hội, khu vực phi lợi nhuận, xã hội dân sự), bên cạnh khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.
Các tổ chức này hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản lí, vì lợi ích công cộng, không phân phối lợi nhuận.
Hoạt động của các tổ chức thuộc khu vực thứ ba được tài trợ chủ yếu bằng các khoản phí và hiến tặng tình nguyện chứ không phải bằng tiền thuế. Chúng độc lập và được quản lí bởi các ban lãnh đạo tình nguyện riêng của mình.
Hiện nay, cứ hai người Mỹ trưởng thành thì có người làm việc tình nguyện trong khu vực thứ ba này, song rất ít người nhận thức được tầm quan trọng của nó.
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức và quản lí tổ chức, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)