|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tình báo Mỹ khó 'bắt bài' Tổng thống Putin

14:37 | 18/02/2022
Chia sẻ
Từng là cựu đặc vụ, hơn nữa còn là một nhà lãnh đạo kín tiếng, Tổng thống Nga Putin đang khiến tình báo Mỹ và phương Tây đau đầu vì không thể đoán định được đường đi nước bước của ông.

Bài toán cần lời giải của tình báo Mỹ

Thời điểm Nga bị cáo buộc thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, CIA - cơ quan tình báo trung ương Mỹ, đang có trong tay một vũ khí bí mật: một đặc vụ có thể tiếp cận Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đặc vụ này có thể thông báo cho Washington về đường đi nước bước của ông chủ Điện Kremlin, người được phương Tây coi như một bậc thầy chiến thuật, theo New York Times.

Tuy nhiên, "quân bài" bí mật nói trên đã bị trục xuất khỏi Nga vào năm 2017. Trong một khoảng thời gian sau đó, chính phủ Mỹ gần như không thể đoán được ông Putin đang nghĩ gì trong đầu.

Giờ đây, sau khi mất 5 năm để tái tiếp cận hàng ngũ các quan chức cấp cao của Điện Kremlin, tình báo Mỹ lại phải đối mặt với một bài kiểm tra ngặt nghèo khác: giải mã xem ông Putin sẽ sử dụng hơn 150.000 quân ở biên giới Ukraine như thế nào.

Liệu Tổng thống Nga sẽ ra lệnh tấn công nước láng giềng hay chỉ phô trương sức mạnh quân sự để làm bàn đạp trong quá trình đàm phán ngoại giao cùng Kiev và phương Tây. Đó là câu hỏi mà tình báo Mỹ phải trả lời.

Tình báo Mỹ khó 'bắt bài' Tổng thống Putin - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng là đặc vụ của cơ quan tình báo Nga. (Ảnh: Reuters).

"Thâm nhập" vào đầu ông Putin

Thông qua nhiều cuộc phỏng vấn với quan chức các nước, New York Times nhận thấy rõ ràng Mỹ và Anh đã một lần nữa có thể tiếp cận suy nghĩ của ông Putin. Một số kết luận tình báo được đưa ra từ các tài liệu điện tử, số khác được củng cố bằng các cuộc trò chuyện giữa hai ông Putin và Biden.

Tuy nhiên, theo một quan chức Mỹ giấu tên, tính toán của ông Putin có thể sẽ thay đổi khi vị tổng thống này đánh giá xong thiệt hại nếu tấn công Ukraine cũng như lợi ích nếu tiếp tục đàm phán với phương Tây.

Khá nhiều quan chức cấp cao khác cũng lưu ý, ông chủ Điện Kremlin thường đợi đến phút chót để đưa ra quyết định cuối cùng, sau khi liên tục cân nhắc các lựa chọn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức sẽ không tiết lộ làm sao họ biết ông Putin đang nghĩ gì, nhằm bảo toàn các nguồn tin đang có.

Nhìn chung, nắm bắt ý nghĩ của bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng đều khó khăn. Song, "thâm nhập" vào đầu ông Putin - một cựu mật vụ của KGB (cơ quan tình báo quốc gia Nga), lại khó hơn trăm lần.

Bởi vì ông Putin thường tránh xa các thiết bị điện tử, đôi khi cấm người khác ghi chú và quá kiệm lời với các cố vấn, các cơ quan tình báo quốc tế không có nhiều cơ hội để phán đoán chính xác ý định và suy nghĩ của vị tổng thống này.

Bà Julianne Smith - Đại sứ Mỹ tại NATO, hồi đầu tuần này nói: "Căn bản, không ai trong chúng tôi biết trong đầu Tổng thống Putin có gì. Vì vậy, chúng tôi không thể đưa ra bất kỳ phỏng đoán nào…"

Theo thông tin từ một quan chức cấp cao đã gặp những người đồng cấp Nga thời gian gần đây, phái đoàn Mỹ đã rời đi với cảm giác rằng các đại diện của ông Putin đang có quan điểm cứng rắn vì họ không biết Tổng thống Nga muốn làm gì.

"Các nhà phân tích biết ông Putin nghĩ gì, biết cả sự tức giận của Nga với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, liệu điều đó có đủ để giúp chúng ta phán đoán ông ta sắp làm gì và khi nào thì hành động hay không? Câu trả lời là không, để có câu trả lời chúng ta phải đi vào đầu Putin", cựu đặc vụ CIA John Sipher cho hay.

Đồng quan điểm, bà Beth Sanner - cựu quan chức tình báo cấp cao từng làm việc với cựu Tổng thống Donald Trump, nhấn mạnh ông Putin từng là điệp viên nên rõ ràng, vị lãnh đạo này đã được đào tạo để không tuồn thông tin ra ngoài.

Thành bại của Nga khi tấn công Ukraine

Ngoài ra, các quan chức Mỹ đang nghiên cứu các thông tin tình báo, bao gồm các phân tích và tài liệu thô, để cố gắng tìm lời giải cho một câu hỏi quan trọng: ông Putin đánh giá khả năng thành công của mình thế nào.

Quan chức Mỹ lẫn Anh có chung kết luận rằng yếu tố quyết định là nhận định của ông Putin về vị thế tương đối của Nga trên thế giới hiện nay. Sau khi mạnh tay đầu tư cho quân đội, ông chủ Điện Kremlin tin Nga đang có lợi thế để động binh với Ukraine và phần còn lại của châu Âu.

Tình hình tài chính của Nga tác động đáng kể đến khả năng chống chịu các lệnh trừng phạt của nước này. Gần đây, Nga đã hưởng không ít lợi khi giá dầu thôkhí đốt tăng mạnh. Ông Putin nhận ra, bản thân càng đe dọa gây chiến, giá năng lượng càng lên cao.

Chưa kể, do e ngại giá khí đốt leo thang nếu Nga cắt đứt nguồn cung, Đức và các nước châu Âu đang muốn đàm phán để tìm ra một giải pháp hòa bình hơn là áp đặt các lệnh trừng phạt. Một nhà đàm phán châu Âu từng nói, ông Putin đang "tống tiền" châu Âu.

Chưa kể, Tổng thống Nga còn có lợi thế về thời gian. Ông không phải đối mặt với một bầu cử nào trong vòng hai năm rưỡi tới, khác với người đồng cấp Joe Biden. Do đó, Putin có thể dễ dàng phục hồi quyền lực nếu gặp bất kỳ chỉ trích nào trong nước.

Yên Khê