|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tiêu chuẩn ISO 14052:2017 là gì?

11:39 | 24/03/2020
Chia sẻ
Tiêu chuẩn ISO 14052:2017 là tiêu chuẩn quốc tế đưa ra hướng dẫn cho việc thực hiện thực tiễn hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) trong chuỗi cung ứng.
Tiêu chuẩn ISO 14052:2017 là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Conduitexcel)

Tiêu chuẩn ISO 14052:2017

Khái niệm

Tiêu chuẩn ISO 14052:2017 hay Tiêu chuẩn Quản lí môi trường - Hạch toán chi phí dòng vật liệu - Hướng dẫn thực hiện trong chuỗi cung ứng có tên tiếng Anh là: ISO 14052:2017 Environmental management — Material flow cost accounting — Guidance for practical implementation in a supply chain.

Tiêu chuẩn ISO 14052: 2017 là tiêu chuẩn quốc tế đưa ra hướng dẫn cho việc thực hiện thực tiễn hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) trong chuỗi cung ứng. 

MFCA về cơ bản theo dõi dòng chảy và trữ lượng vật liệu trong một tổ chức, định lượng các luồng vật liệu này theo đơn vị vật lí (ví dụ: khối lượng, thể tích) và đánh giá chi phí liên quan đến dòng vật liệu và sử dụng năng lượng. 

MFCA có thể áp dụng cho mọi tổ chức có sử dụng vật liệu và năng lượng, bất kể sản phẩm, dịch vụ, qui mô, cấu trúc, vị trí và hệ thống quản lí và kế toán hiện có của tổ chức. 

Về nguyên tắc, MFCA có thể được áp dụng như một công cụ kế toán quản lí môi trường trong chuỗi cung ứng, kể cả các dòng vật liệu trước khi tới và sau khi rời khỏi tổ chức, và có thể giúp phát triển một phương pháp tích hợp để cải thiện hiệu suất năng lượng và vật liệu trong chuỗi cung ứng. 

Tiêu chuẩn ISO 14052: 2017 dựa trên các nguyên tắc và khuôn khổ chung của MFCA được mô tả trong ISO 14051

Khuôn khổ chung MFCA được trình bày trong tài liệu này bao gồm các kịch bản để cải thiện hiệu suất năng lượng và vật liệu trong chuỗi cung ứng, các nguyên tắc để áp dụng thành công MFCA trong chuỗi cung ứng, chia sẻ thông tin và các bước thực tiễn để triển khai MFCA trong chuỗi cung ứng.

Lợi ích

Việc áp dụng MFCA trong một tổ chức được giải thích trong ISO 14051. Sự mở rộng phạm vi của MFCA cho nhiều tổ chức trong chuỗi cung ứng sẽ cho phép những tổ chức này phát triển một cách tiếp cận tích hợp để sử dụng vật liệu và năng lượng hiệu quả hơn. 

Điều này có thể mang lại lợi ích kinh tế và môi trường khác nhau cho các tổ chức khác nhau trong chuỗi cung ứng. 

Chúng bao gồm giảm thất thoát vật chất (vật liệu chính, năng lượng và vật liệu phụ) và do đó có cơ hội để giảm chi phí, nâng cao kết quả hoạt động môi trường (ví dụ: giảm khí nhà kính và hiệu suất năng lượng/ vật liệu cao hơn) và tăng sự tin tưởng, và mối quan hệ kinh doanh hiệu quả. 

Một mối quan hệ đáng tin giữa các tổ chức trong chuỗi cung ứng và sự hiểu biết chung ngày càng tăng về tình hình cụ thể của họ sẽ thúc đẩy sự hợp tác. Đây cũng có thể là một động lực cho các hợp đồng dài hạn thông qua hợp tác MFCA.

(Tài liệu tham khảo: International Organization for Standardization)

Tuyết Nhi