Tâm tư người dân khắp thế giới thời cách li: 'Nếu không đi làm, tôi lấy gì mà ăn?'
"Nếu không đi làm, tôi kiếm đâu ra tiền mua thức ăn?"
Gần một tuần sau khi chính phủ Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19, Chotu Kumar đã rơi vào cảnh đói kém. Anh là một người lao động đến từ thành phố Ahmedabad, bang Gujarat - quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi. Và anh Kumar không hề đơn độc.
Cách Ahmedabad 1.700 km, Kumar và gần 80 người cùng làng phải làm việc và sống cùng nhau, cứ 5 - 8 người chen chúc trong một căn phòng.
Vào ngày 24/3, ông Modi tuyên bố phong tỏa gần như toàn bộ 1,3 tỉ dân chỉ vài giờ trước khi lệnh có hiệu lực, khiến Kumar và những người lao động nhập cư không có đủ thời gian mua thực phẩm, mà dù có thời gian thì họ cũng chẳng có đủ tiền.
"Tôi làm việc cả ngày và sau đó nhận được tiền", Kumar chia sẻ với Nikkei Asian Review. "Nếu không đi làm, tôi kiếm đâu ra tiền mua thức ăn?"
Thực phẩm cuối cùng đã đến tay Kumar và dân làng khi ANHAD - một tổ chức phi lợi nhuận làm việc để hỗ trợ những người lao động nhập cư bị kẹt lại trong bang, biết đến hoàn cảnh của họ.
Lao động nhập cư từ bang khác đến tham gia nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Ấn Độ. Hàng triệu người trên khắp đất nước làm việc tại các công trường xây dựng, trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc trong nhà máy.
Khi lệnh phong tỏa được ban bố, hàng trăm nghìn công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp và vô gia cư trong chớp mắt vì đa phần sống ngay tại cơ sở nơi họ làm việc. Nhiều người cố đi bộ về quê nhà.
Shamsal là một người lao động may mắn đã trở về nhà trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ông chủ còn nợ anh 15.000 rupee (tương đương 196 USD) - số tiền có thể nuôi sống gia đình 8 miệng ăn của Shamsal. Chính phủ hứa hẹn sẽ hỗ trợ khẩu phần ăn và vật tư y tế nhưng chưa thấy đâu.
Khi chính phủ gỡ bỏ lệnh phong tỏa, Shamsal sẽ quay trở lại Delhi làm việc. Anh nói: "Trong làng không có việc, thế thì tôi biết kiếm tiền như thế nào, chăm lo cho gia đình ra sao? Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài trở lại đó".
Trong hai ngày qua, Kumar và đồng hương phải ăn cơm trắng. Anh có thể chịu được nhưng lại không biết vợ con đang như thế nào. Khi nói chuyện điện thoại, anh nói dối bản thân vẫn có thức ăn, dù thực tế là không. Vợ con anh cũng nói điều tương tự và bật khóc. Kumar chia sẻ: "Tôi chỉ muốn về nhà xem gia đình có bình an hay không".
"Đây là một thay đổi lớn, vì tôi cần phải quay series mới"
Vào ngày chính phủ Singapore tuyên bố "ngắt mạch", đóng cửa văn phòng làm việc và cấm tụ tập đông người kéo dài một tháng, vlogger Ghib Ojisan đã ra ngoài để quay video lần cuối.
Trong video "nhật kí bán phong tỏa ngày 0" đăng tải trên kênh YouTube ngày 7/4, Ghib cho thấy hàng dài người tiêu dùng xếp hàng ở siêu thị, mỗi người cách nhau một mét. Ghib sống dựa vào doanh thu quảng cáo từ các video, cho nên kể từ khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, thu nhập của anh đã giảm 30 - 40%.
Là một công dân nước ngoài làm việc tự do, Ghib không đủ điều kiện để nhận trợ cấp khẩn cấp của chính phủ Singapore.
Môi giới bất động sản Gerald Leong thường dành 4 hoặc 5 giờ/ngày để gặp gỡ khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, công việc của anh phải hoãn lại vì lệnh phong tỏa. Sau đó, Leong chuyển sang tư vấn cho khách hàng qua video trực tuyến với hi vọng anh có thể chốt được một số thỏa thuận khi lệnh phong tỏa chấm dứt.
Anh Leong cũng không đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ vì giá trị tài sản của bản thân, và nhiều khả năng là không kiếm ra đồng nào trong ít nhất một tháng tới, anh phải sống dựa vào tiền tiết kiệm.
"Công việc kinh doanh của tôi chủ yếu phải qua gặp mặt trực tiếp. Giờ không thể gặp đối tác, mọi thứ thật quá khó khăn", anh Leong nói.
Lệnh phong tỏa của Singapore dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 1/6 nhưng sự gián đoạn do đại dịch gây ra có thể kéo dài lâu hơn.
"Tôi chỉ có 100.000 yen và không còn nơi nào để đi"
Vào ngày 6/4, đêm trước khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo, Sekito Yoshikawa (23 tuổi) đã gom hết hành lí và rời khỏi quán cà phê internet nơi anh đã sống vài tuần qua. Yoshikawa thậm chí không thể duỗi chân trong quán cà phê internet, nhưng mức giá 1.298 yen (12 USD)/đêm thì khá phải chăng với anh.
Mọi kế hoạch của Yoshikawa đều đổ bể vì đại dịch COVID-19. Đầu tiên, anh bỏ việc giao hàng cho Uber Eats ở Australia và quay trở về Nhật Bản sớm hơn dự kiến. Anh tìm được công việc trợ giảng ở Tokyo nhưng sau đó trường học đều đóng cửa và anh lại mất việc thêm lần nữa.
"Tôi không ngờ được những việc này sẽ xảy ra. Tôi chỉ có 100.000 yên (930 USD) và không còn nơi nào để đi", Yoshikawa nói.
Đại dịch cũng khiến nhiều người dân Tokyo phải vất vả hơn trước. Tài xế taxi Shigeo Oyama thường đưa rước nhân viên văn phòng về nhà từ quận Ginza - một khu vực thượng lưu tại Tokyo, nhưng từ khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, đường phố trở nên vắng vẻ. Thu nhập của ông Oyama đã giảm hơn 30%.
"Tiền lương giảm nhưng các thứ hóa đơn lại không thể chờ", ông nói.
Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi theo mô hình chữ V sau đại dịch, nhưng ông Oyama nghi ngờ khả năng đó. "Sẽ mất nhiều thời gian để cuộc sống trở về nhịp điệu cũ. Nhiều người đang phải vượt qua bằng tiền tiết kiệm, nên họ sẽ không chi tiêu như trước", ông Oyama nói.
"Chúng tôi cố gắng vượt qua từng ngày và mòn mỏi chờ đợi"
Trước khi các dịch vụ đặt xe công nghệ đến TP HCM, ông Trần Văn Phúc (58 tuổi) - một tài xế xe ôm truyền thống, có thể kiếm được khoảng 300.000 đồng mỗi ngày. Kể từ khi các nền tảng như Uber và Grab xuất hiện ở Việt Nam, ông Phúc phải khó khăn lắm mới kiếm được một nửa mức thu nhập cũ. Phần lớn khách hàng hiện tại của ông Phúc là người lớn tuổi, chưa tiếp xúc với các ứng dụng đặt xe.
Chính phủ Việt Nam ban hành lệnh cách li xã hội trên toàn quốc vào ngày 1/4 nhằm kiểm soát đại dịch. Doanh nghiệp đóng cửa và người dân phải ở nhà, trừ khi đi mua nhu yếu phẩm hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Từ đó, ông Phúc không kiếm được đồng nào.
"Hôm qua tôi về nhà trắng tay", ông Phúc chia sẻ với Nikkei. "Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong vài ngày tới. Quán ăn và nhà hàng đóng cửa, mọi người ở nhà, làm việc cũng tại nhà nhưng tôi vẫn phải ra đây đợi, hi vọng có ai đó muốn đi xe ôm".
Ông Phúc cùng nhiều người lao động nghèo khác, từ người bán vé số, thợ đánh giày đến người bán hàng rong, phải sống nhờ vào thực phẩm mà các tổ chức phi chính phủ quyên tặng.
"Bây giờ, chúng tôi cố gắng vượt qua từng ngày và mòn mỏi chờ đợi".