|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thuyết củng cố động lực (Reinforcement Theory of Motivation) là gì?

14:50 | 02/01/2020
Chia sẻ
Thuyết củng cố động lực (tiếng Anh: Reinforcement Theory of Motivation) xem xét hành vi của cá nhân với hậu quả chúng gây ra; đề xuất rằng cá nhân có xu hướng lặp lại các hành vi tạo ra kết quả tích cực, và không lặp lại hành vi gây hậu quả tiêu cực.
Thuyết củng cố động lực (Reinforcement Theory of Motivation) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Thuyết củng cố động lực

Khái niệm

Thuyết củng cố động lực trong tiếng Anh là Reinforcement Theory of Motivation.

Thuyết củng cố động lực được đề xuất bởi BF Skinner và các cộng sự; được xây dựng dựa trên qui luật hiệu ứng. Lí thuyết này xem xét hành vi của cá nhân với hậu quả của chúng; đề xuất rằng cá nhân có xu hướng lặp lại các hành vi tạo ra kết quả tích cực; và không lặp lại hành vi gây ra hậu quả tiêu cực.
Thuyết củng cố động lực bỏ qua cảm xúc bên trong và động lực của cá nhân. Lí thuyết này tập trung hoàn toàn vào những gì xảy ra với một cá nhân khi anh ta thực hiện hành động. 

Do đó, theo Skinner, môi trường bên ngoài của tổ chức phải được thiết kế hiệu quả và tích cực để tạo động lực cho nhân viên. Lí thuyết này là một công cụ mạnh để phân tích cơ chế kiểm soát hành vi của từng cá nhân. Tuy nhiên, nó không tập trung vào các nguyên nhân của hành vi cá nhân.

Phương pháp nhà quản lí sử dụng để quản lí hành vi cá nhân

Củng cố tích cực: đưa ra một phản ứng tích cực khi một cá nhân thực hiện hành vi cần thiết và tích cực. Ví dụ như ngay lập tức khen ngợi một nhân viên đến sớm để làm việc. Điều này sẽ tăng xác suất hành vi này xảy ra một lần nữa. Việc trao thưởng càng tự nhiên, giá trị củng cố của nó càng lớn.

Củng cố tiêu cực hay còn được gọi là tránh: thưởng cho một hành vi bằng cách loại bỏ các hậu quả tiêu cực/ không mong muốn. Ví dụ, nếu một nhân viên kinh doanh đạt thành tích đặc biệt tốt ở một khu vực (hành vi), cô ấy được thưởng bằng cách không bị yêu cầu làm việc ở những khu vực khó đạt được doanh số hơn (củng cố tiêu cực). Nhân viên kinh doanh sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ trong khu vực mà cô ấy hiện đang được phân công, để không bị điều chuyển sang một khu vực kém thuận lợi hơn.

Trừng phạt: các nhà quản lí sử dụng trừng phạt để giảm khả năng nhân viên lặp lại hành vi không phù hợp. Ví dụ về các hình phạt bao gồm trừ lương, giáng chức, cảnh cáo, đình chỉ,... Về cơ bản, trừng phạt áp dụng hậu quả tiêu cực cho hành vi không mong muốn.

Triệt tiêu: xảy ra khi nhà quản lí bỏ qua một hành động anh ta/cô ta không tán thành; nghĩa là nhà quản lí không áp dụng củng cố tích cực hay củng cố tiêu cực, với hi vọng rằng hành vi sẽ tự chấm dứt. Tuy nhiên, nhà quản lí phải đặc biệt cẩn thận khi sử dụng kĩ thuật này và chắc chắn rằng hành vi đó chỉ là tạm thời, không thường xuyên và không nghiêm trọng.

(Tham khảo: study.commanagementstudyguide.com)

Giang