Thương vụ Grab mua lại Uber: Quản lý lúng túng khi thiếu kỹ năng
Toan tính mới của taxi truyền thống sau thương vụ Grab mua Uber | |
0h ngày 9/4, Uber ngừng hoạt động tại Việt Nam |
Ngày 26/3 vừa qua, Công ty TNHH GrabTaxi (Grab) đã công bố thông tin về việc mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.
Ngay sau đó, ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD – Bộ Công Thương) đã gửi Công văn số 190/CT-TKT đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi) cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên.
Văn bản của Grab trả lời Cục CT&BVNTD ngày 5/4 cho rằng, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.
Cục CT&BVNTD đã khuyến nghị Công ty Grab cần đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh. (Ảnh minh họa: KT) |
Tại buổi làm việc giữa Cục CT&BVNTD với đại diện hợp pháp của Grab ngày 6/4 vừa qua, Grab cũng chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan nêu tại văn bản của GrabTaxi.
Do vậy, Cục CT&BVNTD đã khuyến nghị Công ty Grab cần cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam.
Bởi theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% - 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Cục CT&BVNTD cũng nêu rõ, trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện. Cục CT&BVNTD đã thông báo cụ thể tới Grab các thông tin này để Grab cân nhắc.
Bày tỏ quan điểm về thương vụ này, ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cá nhân cùng nhiều người khác sử dụng dịch vụ của cả Grab và Uber tại Việt Nam đều thấy, cả 2 hãng này đều có chung một “quyền lực thị trường” tương đối lớn đối với những người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM.
Một điều rõ ràng là, trước đây, cả Grab và Uber thường xuyên cạnh tranh với nhau một cách khá khốc liệt, liên quan đến những chương trình khuyến mại, giảm giá cũng như tỷ lệ chiết khấu cho những người lái xe.
“Tuy nhiên hiện nay hai hãng này lại quay ra hợp tác, sáp nhập với nhau và chuyển cho nhau những dữ liệu của khách hàng và cùng thống nhất một mức giá, một dịch vụ…điều này đứng từ góc độ pháp lý sẽ đặt ra một câu hỏi rằng liệu điều này có vi phạm về Luật Cạnh tranh hay không?”, ông Đức hoài nghi và cho rằng, xét về nguyên tắc của Luật Cạnh tranh sẽ bảo vệ mức độ cạnh tranh trên thị trường, thông qua đó bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe taxi truyền thống, ông Đức nhận định, hiện tác tác động từ thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber đến thị trường vận tải hành khách còn có nhiều phỏng đoán, chưa có cơ sở cũng như những số liệu đưa ra đều chỉ là những số liệu gián tiếp mà chưa phải là số liệu trực tiếp để có thể chứng minh mức độ ảnh hưởng từ thương vụ sáp nhập này.
Vì thế, để điều tra một vụ hợp nhất - sáp nhập giữa các doanh nghiệp có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, đòi hỏi rất nhiều nguồn thông tin. Từ việc xác định các hãng này thuộc thị trường liên quan nào, sau đó xác định thị phần liên quan của họ.
“Nếu trong trường hợp các hãng này việc hợp nhất – sáp nhập rơi vào khoản miễn trừ sẽ phải xác định xem có được miễn trừ hay không. Tất cả các công đoạn này thường mất khá nhiều thời gian với nhiều nguồn thông tin, số liệu để có thể chứng minh được”, ông Đức lưu ý.
Theo ông Đức, ngay từ thời điểm này, Cục CT&BVNTD nên bắt đầu việc thu thập thông tin, số liệu, đặc biệt là những thông tin, số liệu từ những cơ quan như giao thông, cơ quan thuế… để chuẩn bị trước những hồ sơ tài liệu và những nguồn chứng cứ để xác định vụ việc có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.
Hơn nữa, những vụ mua bán - sáp nhập giữa các doanh nghiệp trên thực tế diễn ra hết sức đa dạng. Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam cần phải chuẩn bị những kỹ năng, rút kinh nghiệm từ những vụ việc đã xảy ra.
Cùng với đó là việc chuẩn bị những nguồn tài liệu có sẵn, ghi nhận những thị trường của doanh nghiệp có dấu hiệu độc quyền, dấu hiệu thống lĩnh hoặc có dấu hiệu của những thương vụ mua bán - sáp nhập… để trong trường hợp xảy ra vụ việc tương tự, có thể nhanh chóng xác định được việc có vi phạm hay không vi phạm thuộc vào điều cấm hay không cấm của Luật Cạnh tranh.